Gỡ nút thắt để doanh nghiệp tăng tốc

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) của TPHCM đang có dấu hiệu giảm sút. Tính đến hết năm 2018, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 772,31 triệu USD, giảm 8,07% so với năm 2017. Trong đó, tập trung giảm chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Nhếch nhác hạ tầng KCX-KCN

Ghi nhận thực tế cho thấy, đà thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại KCX-KCN của TPHCM năm 2018 có dấu hiệu giảm sút mạnh so với năm trước: chỉ đạt 290,83 triệu USD, giảm 25,78%.

Lý giải thực tế này, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn tồn tại những nút thắt chưa thể giải quyết. Trong các KCX-KCN, tình trạng xuống cấp hạ tầng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Phần lớn KCX-KCN của thành phố thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nên hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung đã khá lạc hậu. Nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung của chủ đầu tư hạ tầng liên tục bị phát hiện có hành vi vi phạm môi trường. Môi trường các KCX-KCN tại nhiều nơi bị bao kín bởi cửa hàng, quán xá, mất an ninh trật tự.

Gỡ nút thắt để doanh nghiệp tăng tốc ảnh 1 Hạ tầng giao thông và nhà máy trong KCN Hiệp Phước. Ảnh: THÀNH TRÍ 
Thực tế này gây khó cho DN hoạt động tại đây, khi phải đáp ứng tiêu chuẩn “phát triển bền vững, có trách nhiệm xã hội” của những thị trường xuất khẩu khó tính. Nhiều DN có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất cũng khó được đáp ứng, do diện tích đất cho thuê tại các khu đã được lấp đầy, hoặc giá cho thuê quá cao so với các KCX-KCN khu vực lân cận.

Ở góc độ rộng hơn, hạ tầng phía ngoài KCX-KCN cũng đang bị quá tải, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh của các DN. Phổ biến nhất là tình trạng ngập nước, kẹt xe làm chi phí logistics của DN tăng cao. Bên cạnh đó, những cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng đời sống công nhân như trường học, khu lưu trú công nhân, nhà ở, bệnh viện… vẫn chưa được đầu tư đúng mức, góp phần làm gia tăng biến động số lượng lao động và làm giảm khả năng chủ động sản xuất, phát triển tại các DN. Đại diện Công ty TNHH Saigon Precision cho biết rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực lao động, nhất là sau dịp tết truyền thống.

Bên cạnh đó, nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao liên quan đến IT, quản lý chất lượng rất khan hiếm, nên thường xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

Một vấn đề khác là thủ tục hành chính vẫn rất phức tạp. Hiện rất nhiều DN trong KCX-KCN vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn khi làm các thủ tục vay vốn để phát triển, mở rộng quy mô đầu tư. Đại diện Saigon Food cho biết, nhà xưởng trong KCX 4 năm qua vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hệ quả, công ty đã đầu tư rất lớn tại khu đất đó nhưng không được hoàn thuế giá trị gia tăng, cũng như không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển.

Nâng chất hạ tầng để giữ chân DN

Cũng theo ý kiến chung của nhiều DN, để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam, TPHCM phải tập trung đẩy nhanh tiến độ cải thiện hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng các KCX-KCN nói riêng, môi trường và chất lượng sống của công nhân. Song song đó, nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ sinh viên và cả công nhân đang lao động tại các KCX-KCN. Các công ty đầu tư hạ tầng phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý cần thiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN trong KCX-KCN, tạo điều kiện để DN tăng nội lực vốn, mở rộng phát triển đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban quản lý KCX-KCN TPHCM, cho biết hiện ban quản lý đã làm việc với chủ đầu tư hạ tầng nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải thiện hạ tầng KCX-KCN, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của DN. Mặt khác, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng hoặc DN trong khu chủ động xây dựng nhà lưu trú, trường học, bệnh viện tại khu vực KCX-KCN.

Cho đến nay, các đơn vị đã đề xuất thực hiện 16 dự án nhà lưu trú (đáp ứng 21.417 chỗ ở cho người lao động) và 21 dự án trường mầm non, giữ trẻ là con của các công nhân.

Ở góc độ DN, ông Vũ Minh Hùng, Giám đốc An toàn, môi trường và sức khỏe của Tập đoàn First Solar, cho rằng DN cũng cần phải cải thiện môi trường lao động, tăng phúc lợi xã hội, y tế để giữ chân cũng như thu hút lao động có tay nghề và chuyên môn cao. Không thể mãi đòi hỏi chất lượng lao động tay nghề cao nhưng chế độ tiền lương thấp, môi trường làm việc không tốt.
Về những khó khăn liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế TP nhanh chóng xác lập ranh giới để làm cơ sở tính thuế sử dụng đất cho các chủ đầu tư hạ tầng và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN đã có đủ điều kiện.

Riêng về yêu cầu nguồn nhân lực, ban quản lý đã chủ động kết nối với các trường đại học, trường đào tạo công nhân kỹ thuật, để gia tăng chất lượng và số lượng lao động có tay nghề. Cùng với đó, thiết lập kênh thông tin lao động, nhân sự, đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cho công nhân đang làm việc trong KCX-KCN.

Tin cùng chuyên mục