Gỡ bất cập biên chế hành chính cho TPHCM

Ước tính, cứ 5 năm dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người nhưng từ năm 2015 đến nay, biên chế hành chính của TPHCM năm sau luôn giảm so với năm trước. Trong thực tế, biên chế của TPHCM “vênh” so với chỉ tiêu Trung ương giao vài ngàn người. 
 Công chức phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) làm ngoài giờ giải quyết hồ sơ của dân

Khó khăn vì “tinh giản kép”!

Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết đề án tinh giản biên chế của UBND quận đặt mục tiêu đến năm 2021, quận sẽ tinh giản 10% biên chế hành chính được UBND TPHCM giao từ năm 2015, cụ thể là 27 người. Đến nay, quận mới tinh giản được 7 viên chức và chưa có công chức nào bị tinh giản (do chưa đủ điều kiện quy định). Trong khi đó, năm 2016, UBND TP giao biên chế hành chính cho quận giảm 16 người so với năm 2015. Năm 2017, biên chế của quận tiếp tục giảm 5 người so với năm 2016. Tính chung, liên tiếp 2 năm chỉ tiêu biên chế giao cho quận giảm 21 trường hợp (gần 7,6% so với năm 2015).

“Việc quận vừa thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung, lại nhận biên chế giảm theo từng năm, thành tinh giản kép. Điều này gây nhiều khó khăn đối với quận”, ông Trần Thế Thuận nhận xét.

Mặt khác, quận 1 đang chịu thách thức lớn trước áp lực gia tăng dân số. Hiện nay, quận có hơn 221.220 nhân khẩu, với mật độ bình quân 28.000 người/km2, gấp 6 lần mức trung bình của TPHCM. Việc gia tăng dân số đã gây áp lực lớn cho hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn và tạo thách thức lớn đối với chính quyền trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với yêu cầu “tinh giản công chức kép” như trên, chính quyền và đội ngũ công chức quận 1 càng đứng trước áp lực lớn.

Trên thực tế, sức ép đối với đội ngũ cán bộ, công chức diễn ra ở hầu khắp các địa phương của TPHCM, xuất phát từ tình trạng tăng dân số cơ học quá lớn. Đơn cử, bình quân mỗi năm dân số ở quận 9 tăng khoảng 17.000 người, tương đương với dân số của một phường ở quận này. Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM hiện có 6 quận có 400.000 - 500.000 dân; 5 quận có dân số trên nửa triệu dân, 2 quận trên 600.000 dân. Như vậy, chính quyền các quận này đang quản lý dân số bằng hơn một nửa tỉnh khác. Đặc biệt, quận Bình Tân có hơn 740.000 dân, cao hơn dân số của toàn tỉnh Bắc Kạn, nhưng bộ máy, số lượng công chức vẫn là cấp quận.

Theo Sở Nội vụ, tình trạng tăng dân số cơ học làm cho khối lượng công việc chính quyền các cấp rất lớn. Ở các địa phương, nhất là các quận có dân số cao như đã nêu, bộ máy thì “quân số” theo cấp quận nhưng phải vận hành như một tỉnh. Dù vậy, hiện nay, TPHCM phải tập trung tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014. Yêu cầu đặt ra là đến năm 2021, biên chế hành chính của TPHCM phải giảm 10% so với biên chế năm 2015.

Cần xác định đúng nhu cầu biên chế

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm khẳng định, thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực thực hiện tinh giản biên chế. Đến nay, TPHCM đã giải quyết tinh giản 334 biên chế; đang tiếp tục trình Bộ Nội vụ thẩm tra danh sách tinh giản biên chế năm 2018. Sắp tới, TPHCM tiếp tục tinh giản biên chế bằng nhiều giải pháp cụ thể, như rà soát cơ quan, đơn vị nào chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế thì cắt giảm; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy. Cùng đó, TPHCM gắn liền kết quả tinh giản biên chế với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Ông Trương Văn Lắm cũng nhìn nhận có sự chênh lệch lớn giữa biên chế hành chính TPHCM hiện có và biên chế Trung ương giao. Song, nếu tính theo hiệu quả công việc và năng suất lao động thì với số biên chế hiện nay, mỗi một cán bộ, công chức của TPHCM có năng suất gấp 2 lần mức bình quân của cả nước.

Đồng tình, một lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TPHCM cũng nhận xét, hiện nay khối lượng công việc mà công chức ở TPHCM phải giải quyết đang quá tải. Nếu không tính khách vãng lai, một công chức phục vụ khoảng 690 người dân. Nếu tính cả khách vãng lai, con số này là gần 1.120 người. Do đó, nếu thực hiện theo biên chế Trung ương giao (năm 2018 là 8.052 biên chế) thì TPHCM phải cắt giảm hơn 3.630 công chức. Khi đó, TPHCM sẽ không đủ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc và phục vụ người dân.

Thực tế, TPHCM có tốc độ đô thị hóa rất cao, thu hút dân số từ các tỉnh - thành bạn. Từ đó, bộ máy hành chính của TPHCM phải “nở nồi” mới đáp ứng yêu cầu. Tính từ năm 2004 (lúc TPHCM lập mới quận Tân Phú, Bình Tân), UBND TP đã giao biên chế hành chính vượt gần 1.730 chỉ tiêu so với mức Trung ương giao. Liên tiếp từ đó đến nay, biên chế hành chính của TPHCM năm nào cũng trội hơn số Trung ương giao. Trong nhiều năm, UBND TPHCM luôn báo cáo, giải trình số biên chế chênh lệch và kiến nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh tăng theo số lượng đang sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ không đồng tình và ấn định chỉ tiêu thấp hơn vài ngàn biên chế so với số TPHCM đề nghị.

“TPHCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt. Và, với quy mô dân số hiện nay, TPHCM phải có bộ máy, nhân sự phù hợp để giải quyết khối lượng và áp lực công việc ngày càng cao. Nếu biên chế theo đúng với số Trung ương giao thì không phù hợp với thực tế của TPHCM”, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm phân tích.

Vì vậy, ông Trương Văn Lắm kiến nghị Trung ương giao Bộ Nội vụ phối hợp, làm việc với UBND TPHCM để rà soát, xác định đúng nhu cầu biên chế thực tế tối thiểu mà TPHCM cần có để đáp ứng yêu cầu công việc. Đây sẽ là cơ sở để TPHCM thực hiện tinh giản biên chế.

San sẻ biên chế cho giáo dục, y tế

Năm học 2018-2019, toàn TPHCM có gần 1.677.600 học sinh, tăng hơn 67.230 học sinh so với năm học 2017-2018. Theo Sở GD-ĐT, số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, có số lượng dân số tăng cơ học cao. Bình quân mỗi năm TPHCM tăng 60.000 học sinh, trong đó có 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM. Trước thực trạng trên, TPHCM phải chi gần 2.340 tỷ đồng đầu tư xây dựng hơn 880 phòng học mới. Đi kèm với việc đầu tư mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thì ngành giáo dục TPHCM cũng phải tăng biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tính chung, nhu cầu tuyển dụng toàn ngành giáo dục TPHCM cho năm học 2018-2019 gần 5.130 người, để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc và tăng cường tại các trường mới. 

Theo Sở Nội vụ, TPHCM không thực hiện tinh giản biên chế đối với khối giáo dục, y tế một cách cào bằng. Dựa trên chỉ tiêu giảm 10% biên chế đến năm 2021, TPHCM “điều chuyển” chỉ tiêu biên chế từ các đơn vị sự nghiệp khác để bù vào biên chế khối giáo dục, y tế. Với 2 khối này, TPHCM vẫn thực hiện tinh giản biên chế nhưng chỉ áp dụng đối với những trường hợp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc “tiết kiệm” biên chế từ việc các cơ sở giáo dục, y tế thực hiện tự chủ tài chính.

Tin cùng chuyên mục