Giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất

Để cải thiện năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15/2017 - QĐ UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ. 
Doanh nghiệp được TPHCM hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất . Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp được TPHCM hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất . Ảnh: CAO THĂNG
PHÓNG VIÊN: Tính đến nay đã hơn 2 tháng triển khai Quyết định 15/2017 về hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất. Vậy Sở Công thương TP đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách trên như thế nào?
- Ông Phạm Thành Kiên: Ngay khi có quyết định của thành phố, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch gửi đến các phòng kinh tế quận, huyện và ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố phối hợp phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến các doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay đã thực hiện tại 7 quận: 4, 6, 12, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân và 3 huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn cùng Khu công nghiệp Hiệp Phước với khoảng gần 1.400 doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể tham dự.

Cùng với việc phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ, sở đã chủ động kết nối doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư với ngân hàng (trực tiếp) và thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ) của các quận,  huyện. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, chương trình đã giúp 4.138 khách hàng vay được 124.327,42 tỷ đồng. Ngoài ra, sở cũng xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp; đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ về kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề… theo nhu cầu của doanh nghiệp.
- Có nhiều ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng hiệu quả thực tế không cao. Doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu tài sản thế chấp và thủ tục hành chính phức tạp? 
- Về thủ tục hành chính, hiện Sở Công thương đã xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ vay kích cầu theo Quyết định 15/2017 là 13 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ.

Riêng vấn đề tài sản thế chấp, đây là rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp muốn tham gia chương trình kích cầu. Bởi lẽ như đã nói ở trên, đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên giá trị tài sản không cao.  Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, sở đã làm việc trực tiếp với các ngân hàng. Theo đó, đã đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tham gia chương trình theo Quyết định 15/2017 với khẩu hiệu “Vay 7 năm lãi suất 0%”. Song song đó, phối hợp các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, VPBank gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn vay tín dụng để giải quyết từng khó khăn cụ thể.

- Vậy đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ trên? 
- Từ khi Quyết định 15/2017 có hiệu lực đến nay, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (trực thuộc Sở Công thương TP) đã hướng dẫn và tư vấn cho 32 doanh nghiệp có nhu cầu tham gia chương trình, trong đó 10 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư đang trong giai đoạn xây dựng dự án. 

Hiện nay, Sở Công thương đang trình UBND TPHCM 3 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình kích cầu theo Quyết định 15/2017 của 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí. Tới đây, Sở Công thương sẽ tiếp tục trình UBND TP khi các doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục cần thiết.
- Trong thời gian tới, sở đẩy mạnh triển khai những giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
- Chúng tôi xác định hỗ trợ doanh nghiệp là công tác trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2017, Sở Công thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chủ động tìm đến doanh nghiệp để nghe các doanh nghiệp trình bày các khó khăn và tâm tư nguyện vọng, thay vì trước đây các doanh nghiệp phải đến gặp thì sở mới tiếp nhận. Qua 6 tháng, Sở Công thương đã chủ động đến gặp 162 doanh nghiệp và nghe nhiều ý kiến của doanh nghiệp, qua đó đề xuất UBND TPHCM các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết hồ sơ hành chính; triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp. Phấn đấu đến cuối năm 2017 hỗ trợ 300.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp; giới thiệu và triển khai Chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất mới nhằm giảm chi phí so với việc nhập khẩu; đặc biệt chú trọng kết nối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Để cải thiện năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15/2017 - QĐ UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP về thực tế triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên của thành phố.
Giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất ảnh 1 Ông Phạm Thành Kiên

Tin cùng chuyên mục