Giữ gìn thành phố sạch: Thực hiện văn minh đô thị, không xả rác

Trong 3 số báo vừa qua, Báo SGGP đã đăng nhiều ý kiến của bạn đọc tham gia góp ý, thảo luận trên Diễn đàn giữ gìn thành phố sạch. Hôm nay, Báo SGGP trích giới thiệu các ý kiến về việc thực hiện văn minh đô thị, không xả rác.

Xả rác bừa bãi là tự làm xấu mình

Mới đây, khi đang chạy xe máy trên đường, tôi giật mình khi có người ngồi trong một chiếc ô tô chạy ngang qua mở kính cửa xe quăng vỏ chai nước suối và bịch vỏ trái cây trúng vào xe tôi. Chưa hết, đi được khoảng vài chục mét, cũng từ chiếc xe ấy lại quăng ra một túi ni lông bên trong có mấy vỏ hộp xốp đựng đồ ăn.

Tôi ngỡ ngàng xen lẫn bực bội vì hành vi kém văn hóa của những người ngồi trên chiếc ô tô ấy. Hẳn họ thừa biết làm như vậy là làm bẩn đường phố, làm ô nhiễm môi trường.

Để hạn chế, khắc phục tình trạng hành khách vứt rác bừa bãi khi tham gia giao thông, nhà xe cần phải trang bị thùng rác ngay trong xe ở vị trí thuận lợi. Nếu camera ghi nhận hình ảnh người đi xe xả rác xuống đường, cảnh sát giao thông cũng nên phạt nguội để nhà xe lưu ý nhắc nhở hành khách không xả rác xuống đường.

Giữ gìn thành phố sạch: Thực hiện văn minh đô thị, không xả rác ảnh 1 Rác tràn lan ở điểm hẹn lấy rác góc đường Nguyễn Duy Dương - Hùng Vương (quận 5, TPHCM). Ảnh: TƯƠNG QUAN
Cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để mọi cư dân đều ý thức rằng làm ô nhiễm môi trường sống, gây mất vệ sinh đô thị chính là tự làm xấu chính mình. Mỗi người phải biết hành xử có văn hóa, làm chủ hành vi của mình nơi công cộng để không ảnh hưởng đến môi trường và mọi người xung quanh.

ĐẶNG ĐỨC (quận Thủ Đức, TPHCM)

Giáo dục hành xử có văn hóa ngay từ khi còn bé

Một điều hay rất đáng ghi nhận là các cháu học mẫu giáo đã được dạy bảo, nhắc nhở việc giữ vệ sinh nơi công cộng. Khi đi siêu thị hay dạo phố, lúc ăn bánh, kẹo, nhiều cháu nhỏ biết giữ giấy kẹo, bao bì đựng bánh trên tay, rồi tìm thùng rác để bỏ. Nếu không tìm thấy, cháu nhét rác vào túi, chứ không xả rác bừa bãi. Vậy mà nhiều người lớn không làm được như vậy.

Nhiều người có thói quen quét nhà nhưng không hốt mà lùa rác ra lề đường, gốc cây, thậm chí tấp vô miệng cống thoát nước. Mặc dù, cách đấy không xa là thùng rác công cộng. Thực ra họ cũng là những người từ bé đã được dạy bảo không xả rác ra đường, nhưng rồi trong cuộc sống gia đình họ lại không được nhắc nhở giữ nề nếp hành xử văn hóa, biết là việc tệ hại những vẫn làm vì tính tùy tiện, ích kỷ.

Việc các đoàn thể, các khu phố tổ chức quét rác, khai thông cống rãnh, làm sạch đường phố ngày chủ nhật xanh là cách làm tốt, nên duy trì để nhắc nhở mọi cư dân biết sống xanh, hành xử có văn hóa trong cộng đồng.

MAI VĂN CHIẾN (quận 10, TPHCM)

Không xả rác là một cách biểu thị lòng tự trọng

Mặc dù có thùng rác đặt trên đường phố, nhưng nhiều túi rác lại chỉ nằm cạnh thùng, do người mang rác ra đổ ngại mở nắp bẩn tay. Trên nhiều chiếc cầu thường có rất nhiều rác, do những người thiếu ý thức lén quăng rác xuống mặt cầu và xuống sông. Nhiều cư dân ở dọc theo các kênh rạch vẫn thản nhiên đổ rác và mọi đồ đạc phế thải xuống kênh rạch. Những hành vi đó đã khiến môi trường sống ngày càng tệ hại.

Do vậy, việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TPHCM sạch và giảm ngập nước” là rất thời sự, hợp với yêu cầu xây dựng thành phố xanh sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Việc xây dựng ý thức công dân, ý thức trách nhiệm với cộng đồng cần phải gắn liền với việc không xả rác, không làm hại môi trường sống. Điều này cần được giáo dục từ trong gia đình, học đường, trong các sinh hoạt quần chúng và trên truyền thông.

Đồng thời thực thi nghiêm những biện pháp chế tài. Làm sao để mọi cư dân phải hiểu việc không xả rác là ý thức kỷ luật bản thân, một cách biểu thị của lòng tự trọng và tôn trọng người khác; phải nhận thức được rằng vệ sinh, sạch sẽ là đặc tính của văn minh, cũng như kỷ luật là điều kiện không thể thiếu của nếp sống đó.

LÊ QUANG HUY, Trường THCS Trừ Văn Thố (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)

Xử lý mạnh tay với hành vi xả rác bừa bãi

Hiện nay chúng ta đã có gần như đầy đủ các văn bản pháp lý cũng như những quy định của pháp luật và các chế tài đối với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Thế nhưng trong thực tế có rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý, do khó bắt quả tang, do tâm lý ngại đụng chạm, và chủ yếu là do không ai thực thi việc kiểm soát, xử lý.

Vì một thành phố sạch rác, hiện đại và  văn minh, đã đến lúc những quy định chế tài đối với các hành vi xả rác bừa bãi phải được thực thi nghiêm chỉnh, không thể cứ vận động, hô hào suông, hoặc buông lỏng việc xử lý các hành vi vi phạm. Sau việc tuyên truyền vận động không mang đến hiệu quả thì cần phải kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm. Để làm được điều này, cần gắn camera giám sát để phát hiện và có chứng cứ xử lý hành vi vi phạm.

Đồng thời, các lực lượng trật tự đô thị từng địa phương và cảnh sát khu vực phải làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt. Phạt tiền không hiệu quả bằng áp dụng việc buộc lao động công ích khắc phục hậu quả.

NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục