Giữ gìn, phát triển công viên là lo cho chính mình!

Công viên cây xanh là thước đo hàng đầu của tất cả đô thị. Hiện nay, TPHCM vươn lên thành đại đô thị, dân số TPHCM vượt ngưỡng 13 triệu người, con số này tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tàu kinh tế cả nước.

 Dân số các quận Bình Thạnh, quận 7, quận 12, huyện Bình Chánh… đã vượt qua mốc quy hoạch của năm 2020! Lẽ ra, trong quá trình phát triển, dân số gia tăng, đô thị mở rộng thì phải dành rất nhiều đất để phát triển mảng xanh cho tương xứng, nhưng đằng này lại khác. Đất công viên, đất cây xanh, đất ven sông nội đô là miếng bánh béo bở để đua nhau xà xẻo, một bức tranh thật nham nhở.

Dường như hiếm thấy công viên nào còn nguyên vẹn, thay vào đó là bị lõm, khuyết với những công trình tạm hoặc kiên cố. Một sự việc bất thường cả hàng chục năm nay, đó là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Sun Palace nằm chình ình trong lòng Công viên Phú Lâm (quận 6), gặm vào phần phúc lợi công cộng, gây bức xúc rất lớn cho người dân. Từ một hội trường nhà văn hóa của quận dành để sinh hoạt cộng đồng trở thành một trung tâm hội nghị tiệc cưới nằm trong lòng công viên. Thanh tra TPHCM có kết luận yêu cầu ngưng hoạt động tiệc cưới, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý các cán bộ liên quan… nhưng rồi trung tâm tiệc cưới vẫn tồn tại, điều đó thể hiện sự bất lực của chính quyền trong việc trả lại công viên cho người dân! 

Nằm ngay trung tâm của TP, Công viên 23-9, cụm từ “công viên” chỉ còn trên danh nghĩa, vì từ thuở nào đã là mặt bằng bố trí hằm bà lằng các cơ quan nhà nước như văn phòng làm việc của Trung tâm phát triển quỹ đất TP, Chi cục Quản lý thị trường, sân khấu biểu diễn nghệ thuật Sen Hồng, bãi giữ xe, bến xe buýt… Một khu vực có lưu lượng dân cư dày đặc, Công viên Gia Định là điểm xanh hiếm hoi dành cho cư dân thư giãn, thế nhưng rồi bị xà xẻo đủ kiểu, từ mở đường cho đến quán xá làm mất diện tích công viên.

Không chỉ công viên hiện hữu bị “đánh cắp” mà ngay cả phần đất dành cho công viên trong các dự án nhà ở mới được xây dựng cũng bị chiếm dụng. Cách đây chưa lâu, Sở Xây dựng từng kiểm tra 13 dự án nhà ở do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, đối với hạng mục công viên cây xanh cho khu dân cư hết sức lôi thôi: hoặc dang dở, hoặc bị xây dựng làm sân tennis, sân bóng đá, quán cà phê, quán ăn; hoặc sử dụng làm trạm y tế, văn phòng khu phố, UBND phường… Ngay cả phần đất được quy hoạch trong dự án nhà ở, nhà cửa mọc lên nhưng đất công viên lại bỏ trống hoang phế, không đầu tư xây dựng; không hiếm để nhìn thấy sự việc như vậy ở các quận huyện. Ngay cả việc quy hoạch 104 hồ điều tiết nằm ở các quận huyện, trong đó có công viên cây xanh đến nay cũng chỉ nằm trên giấy.

Vấn đề công viên cây xanh cũng từng được mổ xẻ trên bàn nghị sự, mới đây nhất là cuộc họp của HĐND TP hồi tháng 7 vừa rồi. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP nêu thực trạng, TP có tới 542ha đất công viên cây xanh. Nhìn vào số lượng, diện tích thì có nhưng phân bổ hài hòa giữa các địa bàn thì chưa, đất dành cho công viên cây xanh nội thành chiếm 59,81%, ngoại thành mới chỉ 0,9%. Hầu hết công viên trên địa bàn TP đều tồn tại tình trạng kinh doanh khai thác sai công năng. Chẳng hạn, diện tích Công viên Phú Lâm sử dụng các dịch vụ khác chiếm 38,7%; Công viên Lê Thị Riêng cho thuê 20% diện tích; Thảo Cầm Viên bị “xẻ thịt” bởi nhà hàng, quầy ăn, bán kem. Giám đốc Sở GTVT công bố con số giật mình: chỉ tiêu về cây xanh được duyệt hiện nay mới chỉ đáp ứng được 0,69m2/người, đang chiếm tỷ lệ rất thấp; có tình trạng nhiều công viên bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Trước thực trạng như vậy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, công tác quản lý và sử dụng còn rất nhiều vấn đề. Đối với công viên thì quản lý như thế nào, đề xuất ra sao, giải pháp của các địa phương là gì phải cụ thể. Chứ nói mãi mà không hành động là không đúng tinh thần của một TP năng động, sáng tạo.

Rõ ràng “bệnh” của công viên ai cũng thấy: công viên hiện hữu bị cắt xén, xây dựng mới thì không có nhưng giải pháp để giữ gìn và tôn tạo mới. Công viên phục vụ cho chính sự sống của chúng ta lại lơ là, dường như là trách nhiệm của “ai đâu đó”. Nhằm khắc phục tình trạng này, đầu tiên TP cần tiến hành rà soát toàn bộ thực trạng đất công viên trên địa bàn TP; xét xử nghiêm minh thích đáng việc xà xẻo công viên để răn đe, làm gương, nhằm từ đó về sau xóa bỏ triệt để những ý định kinh doanh trên đất công viên. Đối với những khu quy hoạch đất công viên mới, hồ điều tiết có công viên cây xanh lên kế hoạch ưu tiên đầu tư, có thể bố trí bằng vốn ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa. Với cách làm như vậy, trước tiên chúng ta có trách nhiệm với sự sống của chính mình, tiếp đó sẽ đi đến đích là phát triển bền vững, ắt hẳn sẽ là đô thị văn minh - hiện đại và đáng sống.

Tin cùng chuyên mục