Giới thiệu di sản Mộc bản triều Nguyễn với cộng đồng quốc tế

Ngày 6-8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (đóng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). 

Sau khi tham quan các khu trưng bày, khu bảo quản tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV trong việc bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Giới thiệu di sản Mộc bản triều Nguyễn với cộng đồng quốc tế ảnh 1 Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan khu trưng bày Mộc bản triều Nguyễn

Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước xây dựng và thực hiện đề án “Cấp cứu Châu bản, Mộc bản”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo quản và phát huy giá trị Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới”.

Giới thiệu di sản Mộc bản triều Nguyễn với cộng đồng quốc tế ảnh 2 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm mộc bản giá trị trên các lĩnh vực khác nhau 

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, hiện nay trung tâm đang bảo quản 34.619 tấm, với 55.320 mặt khắc tài liệu mộc bản; gồm 152 đầu sách, với 1.953 quyển, trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tư tưởng - triết học - tôn giáo, văn thơ và ngôn ngữ  - văn tự.

Được giao nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản Mộc bản Triều Nguyễn, những cán bộ nơi đây đã sử dụng nhiều phương pháp thủ công và hiện đại để giữ gìn và duy trì trạng thái tốt nhất cho những tấm mộc bản, phục vụ công tác nghiên cứu, chép sử.

Giới thiệu di sản Mộc bản triều Nguyễn với cộng đồng quốc tế ảnh 3 Phó thủ tướng  Trương Hòa Bình tham quan khu lưu trữ các mộc bản

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, Mộc bản triều Nguyễn là khối tư liệu quý hiếm, nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, phục vụ công tác nghiên cứu, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn tài liệu để trưng bày, tổ chức triển lãm ở nước ngoài, nhằm tuyên truyền, giới thiệu các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh; đặc biệt là Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn.

Tin cùng chuyên mục