Giỏi để đóng góp cho quê hương

“Tính năng nổi bật nhất của Blockchain là tạo niềm tin, với tôi niềm tin trong giáo dục là điều rất cần thiết, vì vậy khi tiếp cận được Blockchain cũng là lúc tôi khao khát một ứng dụng để giáo dục nước nhà được đánh giá một cách công bằng và minh bạch nhất”, Lê Yên Thanh chia sẻ.

Mong muốn tạo niềm tin trong giáo dục

Năm 2016, cái tên Lê Yên Thanh, 24 tuổi, cử nhân Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nổi tiếng trên các mặt báo, được mọi người biết đến là một trong số ít chàng trai được Google mời sang thực tập.

Ngày Yên Thanh đi Mỹ, nhiều người lo lắng “chất xám” ấy sẽ lại chảy khỏi đất nước. Thế nhưng, Yên Thanh trở về nước sau thời gian thực tập. Thời điểm ấy, nhiều người vui nhưng cũng không ít hoài nghi về một tài năng bị Google loại ra khỏi cuộc chơi.

Không ồn ào, không hiếu thắng, Yên Thanh lặng lẽ đi trên con đường mình chọn, đó là khởi nghiệp, là làm một cái gì đó của riêng mình. Bởi vậy, khi Lê Yên Thanh xuất hiện với phần mềm “Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain” và là một trong 4 gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước giành giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức, đã phần nào khiến người khác phải nhìn nhận lại đánh giá của mình.

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian; là phần mềm được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu, có nghĩa một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Là một trong những sáng lập viên, đồng thời là Giám đốc công nghệ của Công ty CP PARTH nghiên cứu về Blockchain, Lê Yên Thanh nhận thấy giáo dục đang là lĩnh vực được nhiều người quan tâm, bản thân anh cũng luôn đau đáu với những bất cập trong chuyện thi cử ở nước nhà.

Giỏi để đóng góp cho quê hương ảnh 1 Lê Yên Thanh tại lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2018
“Đôi khi thực lực chưa được đánh giá chính xác, dễ tạo sự bất mãn, nhất là đối với người giỏi. Vì vậy, tôi mong muốn đưa ứng dụng tháo gỡ được những nghi ngờ ấy, để năng lực của mỗi người được đánh giá minh bạch, tạo cơ hội công bằng cho mọi người”, Yên Thanh chia sẻ về ứng dụng Blockchain mà mình đang thử nghiệm và hoàn thiện.

Dự án bắt đầu được nghiên cứu vào đầu năm 2018, sau 6 tháng, Blockchain đã được Yên Thanh cùng cộng sự đưa vào thử nghiệm. Tính ưu việt của hệ thống này là giúp tổ chức và lưu trữ các dữ liệu thi cử một cách có hệ thống và phân tán dựa trên tính chất của Blockchain.

Bằng phương pháp này, mọi thông tin không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai, không thể bị tấn công và không thể thay đổi được bởi bên thứ 3. Trong khi đó, thông tin lại công khai, mọi người đều thấy được, đều truy xuất để xem, tạo được niềm tin.

“Nếu tổ chức các kỳ thi trên Blockchain, khi thí sinh bấm nút nộp bài thì bài thi được đưa lên hệ thống, lúc này không ai có thể can thiệp được đáp án, tới cuối giờ sẽ được chấm và đưa ra kết quả chính xác, thí sinh biết được mình đúng ở đâu, sai ở đâu tức thì”, Yên Thanh giải thích.

Sau gần 6 tháng thử nghiệm, Yên Thanh và các cộng sự vẫn tiếp tục hoàn thiện ứng dụng với kỳ vọng sẽ được áp dụng rộng rãi tại các cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh và sau đó là cuộc thi THPT quốc gia. 

Sớm lập trình cho khởi nghiệp 

“Mỗi người đều có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, hiện tại có thể bạn muốn làm công việc này, nhưng 5 năm, 10 năm nữa, mục tiêu của bạn là gì mới quan trọng. Bản thân tôi cũng như nhiều người, luôn chuẩn bị trước kế hoạch để cứ theo đó mà đi”, Yên Thanh chia sẻ.

Những năm ngồi trên ghế giảng đường cũng là những năm Yên Thanh nhận viết phần mềm, làm trang web cho nhiều công ty để có thu nhập trang trải cuộc sống. Yên Thanh cũng liên tục xin thực tập tại các công ty hàng đầu về phần mềm trong nước và tham gia các cuộc thi về công nghệ.

Theo Yên Thanh, đó là cơ hội để anh tích lũy kinh nghiệm và tạo mối quan hệ với những chuyên gia công nghệ. Chính trải nghiệm ấy đã giúp Yên Thanh có được một bảng thành tích dài đến mức… kể hoài không hết.

4 tháng thực tập tại Google không dài nhưng cũng đủ để Yên Thanh chứng tỏ được năng lực của mình và học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, nắm bắt môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhận được lời mời ở lại làm việc chính thức cũng là lúc Yên Thanh quyết định về nước khởi nghiệp.

“Mọi người đều cho rằng, nhận được lời mời làm việc chính thức từ Google là thời cơ nhưng với tôi về quê hương khởi nghiệp mới là thời cơ của mình. Bởi làm công ty lớn thì cũng chỉ là làm công, ở đó có cơ hội học hỏi và làm việc tốt nhưng nhìn lại bản thân mình rất nhỏ bé và khó có thể nhận ra mình đứng ở đâu trong tập thể ấy. Chính vì vậy mà tôi ước mơ có sản phẩm riêng, đứa con riêng của mình. Nhưng không phải ai cũng khởi nghiệp được, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vốn, mối quan hệ, kinh nghiệm, mà những thứ đó tôi đã chuẩn bị từ năm 2 đại học”, Yên Thanh cho biết.

Nếu bản thân vẫn tiếp tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thì cơ hội làm ở công ty lớn vẫn sẽ rất nhiều, nhưng cơ hội khởi nghiệp lại chưa hẳn đã thuận lợi. Giỏi thôi chưa đủ, chọn đúng lĩnh vực, đúng thời điểm là một phần lớn trong nấc thang chiến thắng, vì vậy bản thân Yên Thanh thấy khá vững tin với lựa chọn của mình. Và hơn hết, trong thâm tâm anh luôn tâm niệm: Giỏi để đóng góp xây dựng quê hương.

Tin cùng chuyên mục