Áp dụng chế độ hợp đồng

Giáo viên có động lực để dạy tốt hơn

Sắp tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ thí điểm giảm dần công chức, viên chức trong giáo viên và áp dụng chế độ hợp đồng “có vào - có ra” trong các trường công lập. Chủ trương này nhận được sự đồng tình ủng hộ lẫn băn khoăn, lo lắng của người trong cuộc.  
Các giáo viên ở TPHCM tham gia Dự án Dạy học sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin
Các giáo viên ở TPHCM tham gia Dự án Dạy học sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin
Chế độ công chức - “cái rọ” an toàn
Khảo sát nhanh một số hiệu trưởng, giáo viên ở các trường công lập trên địa bàn TPHCM cho thấy, chủ trương đổi mới chính sách tuyển dụng - tăng giáo viên theo hợp đồng được nhiều người ủng hộ. Bởi lẽ, nó sẽ tháo bỏ tâm lý an toàn khi trở thành công chức, viên chức và suốt đời yên vị với công việc làm “thợ dạy”, dù giỏi hay dở, ở một ngôi trường nào đó. Hơn nữa, cơ chế tuyển dụng “có vào và không có ra” này đang tạo ra sự trì trệ, lạc hậu của ngành “trồng người”, nếu không thay đổi thì khó tạo ra sự đột phá về đổi mới giáo dục thời hội nhập. 
Cô Đặng Thị Hồng Thủy, Tổ trưởng Tổ Hóa Trường THPT Nguyễn Du, nhận định: “Đây là chủ trương tích cực và nó sẽ tạo ra động lực để tất cả giáo viên phải nỗ lực, chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong các hoạt động từ chủ nhiệm đến dạy học chính khóa, ngoại khóa…”. Tương tự, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cũng cho rằng việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ tạo động lực cho những giáo viên đang đứng lớp phải thay đổi cách làm, cách suy nghĩ theo kiểu lấp đầy công việc là xong. Làm việc theo lối mòn này, giáo viên nào cũng hoàn thành nhiệm vụ và không bao giờ sợ bị sa thải. Ngược lại, những ai có năng lực, dù chịu khó đầu tư cho chuyên môn, nâng cao trình độ, tiên phong với đổi mới, sáng tạo thì vẫn bị xếp cào bằng với giáo viên thích an toàn, hết giờ dạy thì về. Chỉ ra những tồn tại, sức ỳ đang làm giảm chất lượng giáo dục, thầy Vũ Hoàng Sơn cho rằng việc đánh giá giáo viên hiện nay chỉ theo cảm tính, không đúng theo năng lực cá nhân, sự cống hiến của họ. Chính điều này đang làm giảm nhiệt huyết của những nhân tố tích cực, có năng lực sáng tạo, tâm huyết với nghề giáo.
Chia sẻ cái khó trong công tác quản lý nhân sự trường học hiện nay, thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), cho biết: “Hiện nay, tất cả giáo viên đều qua thi tuyển viên chức. Thế nhưng, họ bước chân vào nghề thì dễ nhưng cho ra không dễ vì liên quan đến nhiều quy định của Luật Công chức viên chức, Bộ luật Lao động. Ngay cả khi giáo viên lớn tuổi không đạt yêu cầu về chuyên môn cũng khó chuyển đổi vị trí việc làm”. Trong khi đó, ở trường tư thục, hiệu trưởng có toàn quyền quyết định về nhân sự thông qua hợp đồng tuyển dụng với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Không chỉ thu hút, tuyển người tài, có năng lực bằng việc đãi ngộ, trả lương tương xứng, họ có thể sa thải ngay giáo viên nếu không đáp ứng yêu cầu của nhà trường. 
Tạo động lực để cạnh tranh, phát triển
Thực tế đã chứng minh tiêu cực xảy ra ở các trường học dẫn đến nội bộ mất đoàn kết kéo dài, giáo viên không yên tâm giảng dạy đều bắt nguồn từ sự thiếu công tâm, vi phạm quy chế dân chủ, tạo ra lợi ích nhóm, xem thường quyền lợi tập thể của ban giám hiệu, hiệu trưởng. Vì thế, nhiều giáo viên đề nghị Bộ GD-ĐT cần tính đến việc xóa bỏ công chức đối với cán bộ quản lý giáo dục và hiệu trưởng. Bởi lẽ, đầu tàu mà không tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thiếu tâm lẫn tầm thì không thể kích thích các toa tàu tăng tốc, theo kịp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều chuyên gia, quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng nếu trao quyền cho hiệu trưởng tuyển dụng, sa thải giáo viên thì cần có cơ chế kiểm tra, giám sát thật chặt để tránh lộng quyền. Nếu không, giáo viên trẻ, người tài, có năng lực khó có cửa bước vào trường công và chạy chức, chạy chỗ dạy sẽ có cơ hội phát triển hơn. 
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận với chủ trương thí điểm giảm dần biên chế, tăng hợp đồng trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên cũng tỏ ra bất an, lo lắng vì nguy cơ bị mất việc cao. Cho rằng nghề giáo là nghề đặc thù nên một số ý kiến đề nghị trước mắt, Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ chế độ công chức, viên chức như cũ nhưng đổi mới khâu tuyển dụng, thi vào công chức theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo chọn đúng người tài, có năng lực. Song song đó, ngành GD-ĐT các địa phương phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, trao quyền tự chủ thực sự cho các trường phổ thông có đủ điều kiện thí điểm tự chủ về tài chính, nhân sự. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, khi được trao quyền tự chủ, nhà trường sẽ tuyển được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chất lượng, thích ứng với mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra. Tuy là thách thức nhưng chủ trương này sẽ tạo ra động lực để giáo dục phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh để tạo ra sản phẩm nhân lực mà xã hội mong chờ.  
Một hiệu trưởng trường THPT ở TPHCM chia sẻ: Chúng tôi mơ ước được trao quyền tự chủ như trường tư thục để tuyển dụng nhân sự, giáo viên giỏi, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại xuất sắc về giảng dạy. Như thế, chắc chắn chất lượng giáo dục của trường sẽ cải thiện, nâng cao như mục tiêu đổi mới giáo dục.
Thực tế cho thấy, ngành nghề nào trong xã hội cũng phải chịu sự đào thải, cạnh tranh gay gắt nếu chất lượng không tốt, không theo kịp đổi mới. Vì thế, đề án thí điểm tăng hợp đồng đối với giáo viên, hướng tới xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa nêu ra là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều người kiến nghị đề án phải xây dựng kỹ lưỡng, khoa học, trong đó quy trình tuyển dụng, tinh giản biên chế, cho nghỉ việc phải đảm bảo các điều kiện chặt chẽ, công khai, minh bạch. Kèm theo đó là chính sách đãi ngộ nhà giáo tương xứng với năng lực làm việc, sự cống hiến của họ để thu hút người tài vào nghề sư phạm, giữ chân giáo viên giỏi trụ lại với nghề đã chọn.

Tin cùng chuyên mục