Giáo dục công dân - Yếu kém, hụt hẫng

Vừa qua, đã xảy ra một số sai sót rất đáng trách của ngành giáo dục và xuất bản trong việc biên tập, duyệt và xuất bản các sách tham khảo dành cho thiếu nhi khiến dư luận bất bình. Qua sự việc này, nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến cần phải nghiêm túc xử lý, chấn chỉnh, đồng thời quan tâm hơn nữa việc giáo dục thế hệ trẻ kiến thức và niềm tự hào về lịch sử, đất nước Việt Nam.
Giáo dục công dân - Yếu kém, hụt hẫng

Vừa qua, đã xảy ra một số sai sót rất đáng trách của ngành giáo dục và xuất bản trong việc biên tập, duyệt và xuất bản các sách tham khảo dành cho thiếu nhi khiến dư luận bất bình. Qua sự việc này, nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến cần phải nghiêm túc xử lý, chấn chỉnh, đồng thời quan tâm hơn nữa việc giáo dục thế hệ trẻ kiến thức và niềm tự hào về lịch sử, đất nước Việt Nam.

  • Sai sót không thể bao biện

Chỉ trong vòng một tuần, đã liên tiếp phát hiện đến 3 cuốn (bộ) sách tham khảo dành cho trẻ em nước ta lại in hình lá cờ Trung Quốc. Đó là bộ sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ (NXB Dân Trí biên dịch lại từ sách Trung Quốc); sách Bé làm quen với chữ cái (NXB Đại học Sư phạm); bộ sách 10 phút cho bé trước giờ đi ngủ (NXB Mỹ thuật). Và mới đây, lại phát hiện sách Tiếng Hoa dành cho thiếu nhi (in tái bản theo quyết định của NXB Tổng hợp TPHCM, đối tác liên kết xuất bản là Công ty cổ phần Giáo dục và công nghệ Thế giới thông minh) có in bản đồ Trung Quốc với hình đường lưỡi bò 9 khúc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Có thể khẳng định đó là sai sót nghiêm trọng, là vấn đề thuộc về danh dự, thể diện quốc gia. Chính thức dạy cho trẻ những điều nhầm lẫn nói trên, theo tôi, là sai sót không thể bao biện, vì không thể thiếu ý thức đến mức lấy hình ảnh cờ của nước khác để dạy cho các công dân nhỏ tuổi nước mình rằng đây là quốc kỳ của chúng ta. Thế nhưng rất tiếc, những đơn vị, cá nhân làm sai lại tỏ ra khá bình thản, giải trình trước công luận một cách qua loa, đại khái, kém thuyết phục, coi như chẳng có việc gì xảy ra. Có người vẫn hồn nhiên giải thích, đại ý phải giữ nguyên theo hợp đồng bản quyền biên dịch sách đã ký; và rằng “trường của Trung Quốc thì treo cờ Trung Quốc là điều bình thường”, nhưng điều rất không bình thường ở chỗ những nội dung này lại đem dạy cho trẻ em Việt Nam.

Với những sai sót như trên, cần phải xử lý kỷ luật thích đáng những người phụ trách (Vụ Giáo dục Mầm non thuộc Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các NXB liên quan), chứ không thể chỉ đơn thuần ra lệnh cấm không được mua và sử dụng sách; nếu lỡ mua rồi thì đem trả lại.

Biên Hà
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

  • Sản phẩm giáo dục chưa hoàn chỉnh

Trong chương trình truyền hình Chiếc nón kỳ diệu trên Đài Truyền hình VTV3, có câu hỏi: “Tên một nền văn hóa cổ ở tỉnh Phú Thọ?”. Bằng phương pháp đoán mò, 2 từ “PHUNG NGUYEN” đã được lật lên hết, nhưng những người chơi đưa ra đáp án kiểu nói bừa: “Phùng Nguyễn”, “Phụng Nguyên”, “Phúng Nguyễn”, không ai nhớ nổi tên nền văn hóa Phùng Nguyên đã học từ thời phổ thông, mặc dù cả 3 người đều đã có trình độ đại học. Trước đó, trong một chương trình Chiếc nón kỳ diệu khác, có câu hỏi: “Tên một di tích lịch sử ở Quảng Yên (Quảng Ninh)?”. Khi đã giải mã bằng nhiều lần đoán mò, chỉ còn duy nhất chữ Ọ trong từ “CỌC” của đáp án “BÃI CỌC BẠCH ĐẰNG” chưa được lật lên, vậy mà một người đoán đó là chữ “Ô”, một người bảo chữ “A”, người thứ ba đoán mò đúng chữ “O”, nhưng lại đọc sai đáp án là… bãi cóc Bạch Đằng!

Chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược vẫn còn dấu tích bãi cọc Bạch Đằng (khai quật tại Quảng Yên, Quảng Ninh), thế nhưng lại có những công dân không biết sự kiện này. Ảnh tư liệu.

Chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược vẫn còn dấu tích bãi cọc Bạch Đằng (khai quật tại Quảng Yên, Quảng Ninh), thế nhưng lại có những công dân không biết sự kiện này. Ảnh tư liệu.

Kể chuyện những công dân trình độ đại học mà thiếu hiểu biết về lịch sử, địa lý đất nước đến như thế, không phải để chế nhạo, cũng càng không thể nói để cho vui, vì đó chính là kết quả tệ hại của sự kém chất lượng trong việc trồng người, giáo dục công dân. Theo tôi, lỗi chính thuộc về ngành giáo dục, vì đã tạo ra những sản phẩm chưa hoàn chỉnh về mặt trí tuệ, quá thiếu kiến thức và thiếu cả niềm tự hào về lịch sử, đất nước của mình.

PHAN TRỌNG HIỀN
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

  • Chủ quyền quốc gia và niềm tự hào dân tộc

Tôi không khỏi lo lắng khi thấy có nhiều học sinh - sinh viên và cả một số cán bộ, công chức không biết Trường Sa, Hoàng Sa thuộc tỉnh nào. Trong khi đó lại liên tiếp có những sai sót đáng trách: một công ty lớn ở Cần Thơ in bản đồ Việt Nam trên hàng chục ngàn quyển tập học sinh nhưng không có Trường Sa và Hoàng Sa; một ngân hàng lớn tặng quả địa cầu cho khách hàng với hình đường lưỡi bò 9 khúc; một gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam tại Đức lại “vô tình” treo ảnh một điểm du lịch của Trung Quốc. Nay lại xuất hiện các sách dành cho thiếu nhi với những sai sót liên quan chủ quyền quốc gia và niềm tự hào dân tộc. Không lo làm sao được khi nhiều công dân Việt Nam lại không rành rẽ lịch sử nước nhà, nhưng lại có thể nhớ vanh vách từng triều đại ở Trung Hoa. Phim ảnh về lịch sử Trung Hoa cứ nhan nhản trên các đài truyền hình Việt Nam, trong khi phim về lịch sử nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng trách nhất là có những người còn đưa lên mạng truyền bá những câu chuyện xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ lịch sử dân tộc.

Trước sự việc thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm đã bị phát hiện, những người có liên quan vẫn cố tình biện hộ, đùn đẩy và giải trình cho qua chuyện với những nguyên nhân chung chung như: vô ý, thiếu kiểm tra, phối hợp chưa đồng bộ… Nêu nhiều nguyên nhân nhưng có mấy ai thực tâm nhận lấy trách nhiệm về mình. Hệ lụy đi kèm là việc xử lý vi phạm xem ra đang trong tình trạng giơ cao đánh khẽ, thiếu tính thuyết phục, làm dư luận vừa bức xúc vừa lo lắng. Không được phép thờ ơ, tắc trách, vô tâm với những vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia và niềm tự hào dân tộc.

SONG ANH (Liên hiệp Các hội VHNT TP Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục