Giảm tỷ lệ gia công dệt may - khó nhưng phải làm

Theo Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TPHCM, doanh nghiệp dệt may TPHCM hiện đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TPHCM, cho biết hiện thành phố có khoảng 4.141 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động. Các doanh nghiệp này đã ngày càng chủ động nhất là về nguyên liệu, giảm dần phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, tăng trưởng lĩnh vực ngành dệt may TPHCM ước tăng 13,89% so với năm 2017. 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành như Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty TNHH May thêu giày An Phước, Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Công ty CP May Nhà Bè... đã có những chuyển hướng phát triển nhất định. Theo đó, thay vì gia công đơn giản thì một số doanh nghiệp đã chuyển sang gia công đa chi tiết, phát triển khâu thiết kế, thậm chí là chuyển nhượng thương hiệu… Các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định như nguồn nhân lực yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nguyên liệu. Các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp. Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin, tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. 

Thực tế đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới; trong đó áp dụng công nghệ để hướng vào khâu thiết kế thời trang chứ không chỉ dừng lại ở việc gia công. Mặt khác, việc phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất gần như là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại. 

Đại diện Tổng Công ty 28, Bộ Quốc phòng, cho rằng ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao nội lực cạnh tranh thì những định hướng phát triển đúng của thành phố sẽ  tạo ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Có thể thấy, hiện các công đoạn như cắt may, nguyên liệu dệt nhuộm… đòi hỏi nhiều nhân công lao động và diện tích đất sử dụng đã không còn phù hợp phát triển tại thành phố mà nên chuyển sang các tỉnh lân cận. Thay vào đó, TPHCM cần tập trung phát triển khâu nghiên cứu phát triển, thương hiệu và phân phối. Bởi đây là một đô thị lớn của khu vực phía Nam, quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa và thị trường tiêu dùng thời trang.

Tin cùng chuyên mục