Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Ai cũng hỏi học đại học gì, không ai hỏi học trường nghề nào

“Mọi người gặp nhau, ai cũng hỏi con cái học trường đại học nào, chứ không hỏi học trường nghề nào? Các phường, xã tuyên dương học sinh đậu đại học, báo chí viết điển hình cha mẹ vượt khó nuôi con học đại học... chứ ít ai biểu dương người học nghề” - Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nói về tâm lý sính bằng cấp đã bó hẹp con đường đến với trường nghề của học sinh.

Ngày 24-8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên họp.  

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Ai cũng hỏi học đại học gì, không ai hỏi học trường nghề nào ảnh 1 Phiên giải trình về dạy nghề, giới thiệu việc làm và đào tạo nhân lực trên địa bàn TPHCM

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo gần 490.000 người trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Giải trình về việc tuyển sinh trường nghề còn khó khăn và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, theo ông Lê Minh Tấn, việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Trong khi đó, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của học nghề.

“Mọi người gặp nhau, ai cũng hỏi con cái học trường đại học nào, chứ không hỏi học trường nghề nào? Các phường, xã tuyên dương học sinh đậu đại học, báo chí viết điển hình cha mẹ vượt khó nuôi con học đại học... chứ ít ai biểu dương người học nghề” - Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM phân trần về tâm tâm lý sính bằng cấp đã bó hẹp con đường đến với trường nghề của học sinh.

Nói về việc kéo giảm khoảng cách đào tạo nghề và nhu cầu doanh nghiệp, ông Lê Minh Tấn cho hay, TPHCM cần đẩy mạnh thực hiện mô hình “đào tạo kép” giữa các trường cao đẳng, trung cấp với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cụ thể, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo, giảm thời lượng dạy lý thuyết chỉ còn 30%, nâng thời gian thực hành lên tới 70%; đảm bảo doanh nghiệp có thể sử dụng được nhân lực ngay, không phải đào tạo lại.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Ai cũng hỏi học đại học gì, không ai hỏi học trường nghề nào ảnh 2 Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho rằng ai cũng hỏi học đại học gì, không ai hỏi học trường nghề nào

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải đề nghị UBND TPHCM đẩy nhanh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM tầm nhìn đến năm 2030. Củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng vào chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo kép, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục.

UBND TPHCM cần tăng cường đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao, trường có ngành nghề trọng điểm; quan tâm nâng cao tỷ lệ đào tạo đối với lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động theo 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 9 ngành dịch vụ chủ yếu, các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN và quan tâm phát triển ngành Logistics.

HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM đẩy nhanh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng cổng thông tin điện tử của ngành giáo dục nghề nghiệp TP tích hợp với phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về nhu cầu nguồn nhân lực và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong việc truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, phải làm tích cực hơn để thay đổi nhận thức của phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp cho con, nhận thức của học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Cho rằng chất lượng nguồn nhân lực có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của TP, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý phải rà soát lại cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đánh giá lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu chưa, đáp ứng được bao nhiêu để đầu tư cho phù hợp, không bị vênh, không bị lãng phí.

Đặc biệt, theo Chủ tịch HĐND TPHCM, chương trình đào tạo phải tiên tiến, không được lạc hậu. Riêng với đội ngũ giáo viên dạy nghề, cần đánh giá thu nhập và đời sống của  giáo viên; có lộ trình, giải pháp để đội ngũ này bám trụ với công việc và thu hút được sinh viên trở thành giáo viên đào tạo nghề. UBND TPHCM cũng phải tạo ra môi trường để các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp phát triển tốt hơn, tạo ra công ăn việc làm cho người học nghề.

Tin cùng chuyên mục