Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Việt Nam bắt đầu đi vào vùng bất lợi về cơ cấu dân số

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: “Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn..."

Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển Bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0" vừa khai mạc trọng thể tại Hà Nội sáng nay, 5-7.

Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Hơn 650 đại biểu tham dự Hội nghị. Hội nghị được chia làm hai phiên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì phiên làm việc buổi chiều.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Việt Nam bắt đầu đi vào vùng bất lợi về cơ cấu dân số ảnh 1 Quang cảnh hội nghị
Trong buổi sáng đã diễn ra Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư đóng góp vào tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) nhìn nhận, cần phải đặt sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được coi là nền tảng; từ đó đề ra hệ chương trình hành động của Việt Nam bám vào những căn cứ, mục tiêu này.

Với nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong cuộc đua năng lực cạnh tranh toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, thậm chí với tư cách là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

“Chúng ta không sợ quy mô nhỏ, chúng ta chỉ sợ không đạt chuẩn. Nếu không hướng tới mô hình phát triển bền vững thì không thể hội nhập. Nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách khá xa với các doanh nghiệp toàn cầu, nhưng về chuẩn mực, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào bốn xu hướng lớn là: hình thái thương mại mới, nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và già hóa dân số.

Trong đó, liên quan đến xu hướng biến đổi khí hậu, theo ông Ousmane Dione, xu hướng này tạo ra một rủi ro lớn cho Việt Nam. Tốc độ tăng nhiệt độ mỗi thập kỷ ở Việt Nam từ kể từ những năm 1960, đang cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng cao có thể làm cho một phần ba dân số Việt Nam bị ảnh hưởng, con số này là hơn 80% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Thay đổi độ mặn đe dọa 2/3 lượng cá nuôi trồng ở Việt Nam. Sụt lún đất kết hợp với tăng độ mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây nguy cơ cho sinh kế của 13,6 triệu nông dân trồng lúa. Đây là những con số thống kê có ý nghĩa cảnh báo nghiêm trọng.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Việt Nam bắt đầu đi vào vùng bất lợi về cơ cấu dân số ảnh 2 "Dự kiến, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn..." - Giám đốc WB tại Việt Nam
Ông Ousmane Dione cũng chỉ ra rằng: “Không hề phóng đại khi nói rằng Việt Nam sắp trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người”.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn. Đặc biệt, điều này tác động tiêu cực đến lao động nữ, do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, ngành công nghiệp chăm sóc có thể sẽ mở rộng để phục vụ cho người cao tuổi, như đang diễn ra ở các nước châu Á phát triển, châu Âu và Mỹ”.

Tin cùng chuyên mục