Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những trái tim “để nhớ, để thương” ​

8 giáo viên và một cán bộ quản lý bậc mầm non được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay ở TPHCM là những tấm gương sáng về sự nỗ lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 
Ngoài việc hoàn thành công việc và trách nhiệm của một giáo viên, họ còn là những phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, sống yêu thương con người bằng nhiều hành động thiết thực.  
Trái tim nhân hậu
Dự định ban đầu của cô Phan Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10) là thi vào ngành kinh tế, nhưng qua giới thiệu của một người quen, cô đã nộp hồ sơ thi vào sư phạm. Bước ngoặt tình cờ đó không ngờ lại “để nhớ, để thương” trong trái tim người giáo viên trẻ đã giúp cô gắn bó với nghề suốt hơn 34 năm qua. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những trái tim “để nhớ, để thương” ​ ảnh 1 Cô Phan Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10) trong một giờ xuống lớp thăm trẻ 
Chia sẻ với chúng tôi về công việc, cô Liên cho biết: “Muốn làm một cán bộ quản lý giỏi, bản thân phải chịu khó lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể, luôn quan tâm từng vấn đề nhỏ nhất của đội ngũ; biết trung thực, chịu trách nhiệm và sống đúng với cái tâm của một nhà giáo”. Nói về kỷ niệm trong nghề, giọng cô chùng xuống với những lần “sẻ áo, nhường cơm” cùng đồng nghiệp. Lần phát hiện một cô bảo mẫu trong trường mắc bệnh ung thư, cô đã “tả xung hữu đột” vận động các mạnh thường quân trong và ngoài trường giúp đồng nghiệp của mình có tiền chữa bệnh. Là những hôm vét cạn túi giúp một nam cấp dưỡng trong trường có đủ tiền khám và điều trị bệnh lao, hay những lần cho đồng nghiệp mượn tiền sửa nhà, đăng ký các khóa học giúp các đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn... 
Đặc biệt, sau hơn 30 năm cống hiến, mơ ước về một mái nhà riêng - nơi có đủ diện tích cho hai vợ chồng và hai đứa con, một trai một gái đang tuổi ăn, tuổi lớn thoải mái sinh hoạt vẫn chưa thực hiện được nhiều năm trước, cô đã tình nguyện nhường suất mua nhà với giá ưu đãi do UBND TPHCM trao tặng cho một nhân viên y tế trong trường vì “hoàn cảnh em ấy khó khăn hơn tôi”, cô Liên bày tỏ. 
Hành trang sau gần một đời theo nghề giáo không phải là của cải, vật chất mà chính là tình cảm, sự yêu thương, gắn bó của đồng nghiệp, là những câu chào tuy còn ngọng nghịu nhưng trìu mến yêu thương của học sinh. Cô kể, tất cả những thiệp chúc mừng, tranh vẽ và hoa khô của học trò nhỏ tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 từ năm mới vào nghề đến nay, cô đều nâng niu và lưu giữ đầy đủ. Đó là tài sản, niềm tự hào lớn nhất của người giáo viên. 
Hàng năm, người phụ nữ có trái tim nhân hậu đó còn vận động bạn bè, đồng nghiệp tổ chức nấu tặng từ 2.000 - 3.000 suất cháo miễn phí cho các bệnh nhi nghèo ở Bệnh viện Nhi đồng 1, gửi tặng những phần quà gồm bánh kẹo, tập vở làm quà trung thu cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, cô vận động mạnh thường quân góp tiền xây cầu cho người dân ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp. 
Năm nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam đến với cô Liên thật đặc biệt vì ngoài giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức trao tặng, cô còn vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp, nỗ lực không mệt mỏi của cô.  
Phần thưởng vô giá
Năm học 2017-2018 là năm thứ 35, cô Phạm Thị Hồng Xuân (giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan (quận Gò Vấp) gắn bó với nghề giữ trẻ. Nhớ lại những ngày đầu tiên đứng lớp, cô Xuân cho biết, thời điểm đó kinh tế vô cùng khó khăn. Bản thân cô được phân công tác về một điểm trường lẻ thuộc diện vùng sâu, vùng xa của quận Gò Vấp. Cô giáo nghèo, phụ huynh còn nghèo hơn. “Ngày 20-11, quà tôi nhận được là bó rau còn nguyên bùn đất, những đòn bánh tét, bánh ú do chính phụ huynh tự tay gói tặng. Có học sinh tặng cả hoa trang, hoa vạn thọ được cắt từ khoảng sân trước nhà các em. Quà tặng tuy chân tình, mộc mạc nhưng tôi hạnh phúc vì cảm nhận được tấm lòng của phụ huynh và học sinh dành cho mình”, cô Xuân bày tỏ. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những trái tim “để nhớ, để thương” ​ ảnh 2 Cô Phạm Thị Hồng Xuân, giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan (quận Gò Vấp) luôn gần gũi, gắn bó với học trò
Nhìn cô giáo với ngoại hình nhỏ nhắn, miệng lúc nào cũng tươi cười, chân tay thoăn thoắt sửa lại bím tóc cho bạn này; chơi đùa, kể chuyện cùng bạn khác, không ai biết người giáo viên ấy đã ngoài 50 tuổi. Cô Xuân là một trong hai giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề cao nhất trong số các giáo viên mầm non được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. “Công việc này lạ lắm. Nghề  cho tôi sự tươi trẻ, luôn nhìn mọi việc bằng con mắt lạc quan. Có lẽ cũng vì đó, hiện con gái tôi cũng thích và đã theo nghề giáo viên của mẹ”, cô Xuân vui mừng cho biết.
Gửi lời nhắn đến các bạn đồng nghiệp trẻ, cô khuyên trước khi dấn thân vào con đường này, các bạn phải thật sự yêu nghề, mến trẻ. Đừng vì những gian truân, thử thách ban đầu mà nản chí, bởi công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả. Nhưng niềm vui được gắn bó, gần gũi với học sinh, tình cảm của phụ huynh và sự trân trọng, ghi nhận của xã hội là phần thưởng vô giá không phải nghề nào cũng có được. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô muốn dành tặng tất cả học sinh thân yêu của mình vì “không có học trò sẽ không có cô giáo Xuân của hiện tại. Trường lớp chính là ngôi nhà thứ hai tôi luôn trân trọng, giữ gìn”, cô chia sẻ.              
Nếu được chọn lại, vẫn xin làm cô giáo…
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3), cho biết nghề giáo là điều tự hào và thiêng liêng đã ăn sâu vào máu thịt. Gia đình có truyền thống theo nghề giáo, ông xã cũng là giáo viên, ngày sinh của con gái trùng với ngày khai giảng năm học hàng năm 5-9. Từng có năm vì lý do gia đình, cô gác lại ước mơ làm giáo viên. Nhưng khi việc nhà ổn thỏa, tình yêu công việc một lần nữa thôi thúc đưa cô trở lại nghề. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những trái tim “để nhớ, để thương” ​ ảnh 3 Cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3) trong giờ sinh hoạt cùng học sinh tại lớp
Cô Thủy tâm sự: “Những lúc mệt mỏi, nhưng chỉ cần được nghe học trò líu lo ca hát, nghe các con gọi “cô Thủy ơi, cô Thủy à!” là mọi buồn phiền đều tan biến”. Công việc của một giáo viên mầm non thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến hơn 18 giờ chiều, con gái phải nhờ hai bên nội, ngoại thay phiên trông coi nhưng cô giáo trẻ vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Vừa là giáo viên cốt cán khối lá (lớp mầm non 5 tuổi) vừa kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ trong trường như chủ tịch công đoàn, chi hội trưởng hội khuyến học, trưởng ban văn thể mỹ, người đảng viên trẻ Nguyễn Thanh Thủy luôn thể hiện được sự gương mẫu trong mọi công tác, đi đầu trong mọi hoạt động đoàn thể của nhà trường. 
Dạy lớp mầm non 5 tuổi có yêu cầu và áp lực công việc cao hơn các khối còn lại vì phải đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho trẻ theo bộ tiêu chuẩn trẻ mầm non 5 tuổi do Bộ GD-ĐT ban hành. Chưa kể hàng loạt phong trào, lễ hội diễn ra thường xuyên trong năm đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. “Đã dấn thân vào nghề phải làm tốt công việc và trách nhiệm của mình, sống không hổ thẹn với những gì mà cấp trên và phụ huynh tin tưởng giao phó. Nếu được chọn lại một lần nữa, tôi vẫn nguyện làm giáo viên mầm non”, cô Thủy trải lòng.
Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay:
* Cán bộ quản lý: Cô Phan Thị Bích Liên (1965), Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10).
* Giáo viên:
1.Cô Nguyễn Thanh Thủy (1979), giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3).
2.Cô Lê Bích Ngọc (1981), giáo viên Trường Mầm non Sao Mai 12 (quận 4).
3.Cô Bùi Thị Kiều Oanh (1978), giáo viên Trường Mầm non Long Bình (quận 9).
4.Cô Ngô Anh Minh Nhật (1966), giáo viên Trường Mầm non Bông Hồng (quận 12).
5.Cô Nguyễn Thị Tâm Xuân (1975), giáo viên Trường Mầm non 24A (quận Bình Thạnh).
6.Cô Phạm Thị Hồng Xuân (1964), giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan (quận Gò Vấp).
7.Cô Nguyễn Thị Bạch Lan (1964), giáo viên Trường Mầm non 5 (quận Tân Bình).
8.Cô Nguyễn Thị Điều (1966), giáo viên Trường Mầm non Thái Mỹ (huyện Củ Chi).

Tin cùng chuyên mục