Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015: Khơi nguồn sáng tạo

Khẳng định bản thân
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015: Khơi nguồn sáng tạo

Ngày 15-8, Liên đoàn Lao động TPHCM sẽ tổ chức buổi trao giải thưởng Tôn Đức Thắng, tôn vinh 15 cá nhân là những công nhân, kỹ sư đã có thành tích xuất sắc trong lao động. Đây là năm thứ 15, Báo SGGP phối hợp với Liên đoàn Lao động TP vinh danh những cá nhân ưu tú có nhiều sáng kiến, cải tiến giúp ích cho đơn vị xã hội.

Khẳng định bản thân

Gặp lại chị Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phân xưởng Thực phẩm (Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre) sau một năm nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng, chị tươi cười cho biết những sáng kiến của mình đã được áp dụng rộng rãi tại công ty và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Sau khi nhận giải thưởng, chị được chọn vào nhóm nghiên cứu quy trình mới để cải tiến một số máy móc, thiết bị mà công ty đang đầu tư nhằm phát triển những sản phẩm mới. Bên cạnh đó, chị Huyền cũng được tin tưởng bầu chọn vào vị trí Bí thư chi bộ. Chị chia sẻ: “Nhận được giải thưởng Tôn Đức Thắng là một vinh dự lớn đối với bản thân tôi, giúp tôi khẳng định được mình trước tập thể. Từ đó tôi cũng thấy mình có trách nhiệm hơn trong công việc. Giải thưởng là động lực khơi nguồn sáng tạo để tôi thêm hăng say nghiên cứu nhiều hơn nữa”.

Thực tế giải thưởng Tôn Đức Thắng đã trở thành bàn đạp giúp nhiều công nhân, kỹ sư thăng tiến trong công việc. Hai năm sau khi được tôn vinh tại giải thưởng Tôn Đức Thắng (nhận giải năm 2008), từ một cán bộ của Tổ Kỹ thuật cơ điện Xí nghiệp Bao bì Liksin, chị Phạm Thị Ẻng được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Xí nghiệp Bao bì An Khang. Với chị Ẻng, giải thưởng không chỉ công nhận sự cống hiến của người lao động trong công việc mà còn giúp công nhân có ý thức hơn về trách nhiệm của mình cũng như cố gắng phấn đấu hơn nữa. Và giải thưởng đã giúp chị khẳng định được năng lực bản thân. Sau khi nhận nhiệm vụ mới, bằng tinh thần sáng tạo, chị Ẻng tiếp tục đưa ra những cách quản lý, điều hành phù hợp với đơn vị, giúp công ty hoạt động có hiệu quả trong nhiều năm liền. Chính từ những cống hiến của mình nên khi đã đến tuổi nghỉ hưu, chị Ẻng vẫn được tin tưởng giữ lại vị trí giám đốc xí nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chúc mừng Ban chủ nhiệm CLB Công nhân lao động sáng tạo trong ngày ra mắt.

Cũng như chị Ẻng, dù đã đến tuổi nghỉ hưu 6 năm nhưng chú Nguyễn Văn Đơ, Tổ trưởng Tổ Cơ điện (Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn) vẫn được ưu ái giữ lại làm hợp đồng tại công ty. Với tâm nguyện còn sức còn cống hiến, người thợ máy ngày nào nay vẫn miệt mài bên công việc. Ngoài làm việc trực tiếp trên máy móc, chú Đơ còn đào tạo, huấn luyện đội ngũ thợ trẻ tại công ty. Chú bảo rằng mình đang nỗ lực để truyền đạt lại cho lớp trẻ càng nhiều kiến thức càng tốt. Năm 2006 khi nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng, chú Đơ đang giữ vị trí Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ khí, nhưng anh em đồng nghiệp vẫn thấy chú xông xáo, cần mẫn như một người thợ. Chú bảo bản thân rất tự hào vì là người công nhân có nhiều sáng tạo.

Cần quan tâm nhiều hơn

Đã 5 năm kể từ ngày được vinh danh trong giải thưởng Tôn Đức Thắng, chị Hà Thị Cẩm Thu, Công ty cổ phần May da xuất khẩu 30-4, trăn trở là giải thưởng Tôn Đức Thắng chỉ cho phép mỗi người tham gia một lần, như vậy sẽ hạn chế sáng tạo của người ấy sau đó. “Nếu biết mình vẫn còn cơ hội được vinh danh, tôi sẽ có thêm động lực để đưa ra những cải tiến mới. Rất uổng phí nếu những sáng kiến sau của tôi hay anh em khác có lợi ích nhiều hơn lại không được giới thiệu ra ngoài để nhiều người cùng áp dụng”, chị Cẩm Thu tâm sự.

Bên cạnh đó, nhiều công nhân, kỹ sư cho biết từ sau khi đoạt giải thưởng, hình như Liên đoàn Lao động TP đã… quên lãng họ, không có sự liên hệ để hỏi về những sáng kiến mới, sự thăng tiến hay có nguyện vọng gì cần được giúp đỡ, hỗ trợ. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, cho rằng sau khi nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng, nhiều cá nhân đã được đơn vị quan tâm, chăm lo và cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, tin tưởng giao trọng trách về đoàn thể. Tuy nhiên, đa phần các cá nhân đoạt giải là công nhân trực tiếp sản xuất, họ say mê nghiên cứu, sáng tạo nên thích được làm công tác chuyên môn hơn. Bên cạnh đó, để được đề bạt, bổ nhiệm hay cân nhắc ở chức vụ quản lý còn cần thêm nhiều tiêu chuẩn khác và thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp quản lý người lao động.

Nhân kỷ niệm 15 năm giải thưởng Tôn Đức Thắng, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Công nhân lao động sáng tạo để tập hợp những cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp sản xuất đã được trao giải thưởng, giúp họ có nơi trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn. Cũng từ đây tạo nguồn giới thiệu cho Thành ủy những công nhân điển hình để gởi đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, tạo nguồn cán bộ cho thành phố.

NGUYỄN THỊ THU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục