Giải quyết mâu thuẫn bằng mô hình nhân văn

Sau thành công thí điểm tại TP Hải Phòng, từ tháng 11-2018 Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tiếp tục triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. 

Theo mô hình này, sau khi nhận hồ sơ vụ việc, tòa án sẽ chuyển đơn khởi kiện cho trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND để tiến hành hòa giải, đối thoại; trừ trường hợp vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Hành chính hoặc khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại.

Mặc dù chỉ mới thí điểm nhưng những kết quả ban đầu cho thấy việc áp dụng mô hình này là phù hợp, cần thiết, góp phần không nhỏ giảm tải, giảm áp lực cho đội ngũ những người tiến hành tố tụng; đồng thời góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả cho các bên. Điều này được minh chứng từ các số liệu qua 6 tháng thí điểm: tại TP Hải Phòng, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%; tại TPHCM, 77,59% số vụ việc được các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hòa giải, đối thoại thành; tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành tại TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 87% và tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đạt 66,2% số vụ việc đưa ra giải quyết...

Theo Phó Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong, một trong những khó khăn hiện nay là quá trình hòa giải, đối thoại chưa nhận được sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, tổ chức khi họ là người bị kiện trong án hành chính hoặc là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các tranh chấp về dân sự. Thông tin từ các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND ở các tỉnh, thành phố khác cũng cho thấy các đương sự gần như không thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cần thiết theo yêu cầu nên gây khó khăn cho các hòa giải viên, đối thoại viên trong quá trình xây dựng phương án giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, khiến cho mục đích của việc hòa giải, đối thoại không đạt được. Nếu như ở Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn quy định thì tại trung tâm hòa giải, đối thoại không tồn tại một chế tài nào quy định về vấn đề này.

TAND tối cao đang đề xuất xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để trình tại kỳ họp Quốc hội, nhưng trong dự thảo mới dừng ở quy định nghĩa vụ mà chưa quy định chế tài khi đương sự không cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của hòa giải viên, đối thoại viên (chẳng hạn như trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật). Điểm này nên được bổ sung nhằm đảm bảo việc hòa giải, đối thoại đạt được hiệu quả cao.

Ưu điểm của mô hình hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND là huy động nguồn lực xã hội có chất lượng cao tham gia công tác hòa giải. Đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên được lựa chọn từ những người làm công tác pháp luật, các cán bộ tư pháp đã nghỉ hưu, luật sư, luật gia, các chuyên gia, nhà tâm lý... có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tâm huyết được tin tưởng là sẽ đóng góp quan trọng vào sự thành công của công tác hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên thời gian qua, theo nhận xét của lãnh đạo một số TAND, phương thức hòa giải, đối thoại của hòa giải viên, đối thoại viên còn thiếu linh hoạt, sáng tạo. Một số hòa giải viên, đối thoại viên còn nặng về nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tập trung vào việc áp dụng pháp luật trong khi điều quan trọng là cần gợi ý, hướng dẫn các bên thỏa thuận, thương lượng, tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp. Những hạn chế này cần sớm khắc phục, với sự nỗ lực tự thân của các hòa giải viên, đối thoại viên cũng như công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. 

Từ kết quả thực hiện thí điểm, có thể khẳng định việc tổ chức hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý theo tố tụng là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh là điều không tránh khỏi. Điều cần làm là hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách giải quyết những hạn chế này, để mô hình thật sự đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo bước đi đột phá trong cải cách tư pháp.

Tin cùng chuyên mục