Giải quyết hiệu quả và công bằng tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài

"Việc đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng thông qua tòa án là một trong những biện pháp then chốt để chống tham nhũng”, đó là ý kiến của bà Caitlin Weisen, Quyền Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nêu ra trong hội thảo nhằm cải thiện chất lượng giải quyết tranh chấp đầu tư của tòa án.

Bà Caitlin Weisen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Bà Caitlin Weisen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ngày 14-12, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Toà án nhân dân Tối cao và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo nhằm cải thiện chất lượng giải quyết tranh chấp đầu tư của tòa án.

Hội thảo là một hoạt động của dự án khu vực của UNDP – dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”. Dự án sẽ được thực hiện trong ba năm. Một trong những mục tiêu của dự án là cải thiện hệ thống bồi thường cho các công ty, các nhà đầu tư và người dân nói chung.

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Weisen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng.

"Nếu hệ thống tòa án kém hiệu quả do tham nhũng, điều này không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, việc đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng thông qua tòa án là một trong những biện pháp then chốt để chống tham nhũng”, bà Caitlin Weisen nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng cho rằng cơ chế xử lý tranh chấp thông qua tòa án là một yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp. Việc Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra cơ chế này.

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, các tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư có nội dung đa dạng và phức tạp. Ví dụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư về trình tự, thủ tục thuê đất, giao nhận và sử dụng đất đối với những dự án đầu tư của nước ngoài có yêu cầu sử dụng đất; tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại nước sở tại; tranh chấp liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi về thủ tục mua sắm đấu thầu, về thủ tục cấp phép đầu tư... mà chính phủ nước sở tại dành cho các nhà đầu tư nước ngoài theo các cam kết quốc tế…

Tin cùng chuyên mục