Giải pháp tiết kiệm từ hệ thống điện mặt trời

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) còn vận động, tuyên truyền khách hàng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái.
Lắp ráp hệ thống điện mặt trời tại trụ sở EVNHCMC
Lắp ráp hệ thống điện mặt trời tại trụ sở EVNHCMC

 Theo thống kê, TPHCM nằm trong khu vực có nguồn bức xạ mặt trời mạnh. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục gần như trong suốt cả năm nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn.

Nhanh thu hồi vốn

Công ty Điện lực Phú Thọ là một trong những đơn vị sớm đầu tư hệ thống điện mặt trời (tháng 7-2018). Hệ thống gồm 126 tấm pin với công suất tổng 40,36kWp, chi phí đầu tư 1,376 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết, từ khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời (NLMT), mỗi tháng công ty tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng tiền điện. Cụ thể, trước khi gắn hệ thống NLMT, công ty phải trả tiền điện hơn 80 triệu đồng/tháng. Sau khi gắn hệ thống NLMT, tiền điện phải trả chỉ còn khoảng 60 triệu đồng/tháng. “Với số tiền tiết kiệm được, ước tính 7 năm sau sẽ thu hồi lại vốn đầu tư”, đại diện Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết.

Điều đáng nói là chi phí trên còn chưa tính đến sản lượng điện dư bán lên lưới trung bình 548kWh/tháng. Theo Công ty Điện lực Phú Thọ, đơn vị sẽ ghi nhận chỉ số này hàng tháng để chờ khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, công ty sẽ được quyết toán toàn bộ sản lượng điện bán lên lưới trong năm.

Theo EVNHCMC, tính đến hết năm 2018, đã có 906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Công suất điện mặt trời đã lắp đặt đạt 10.382,66kWp. Trong đó, một số công trình tiêu biểu có công suất lớn như sau: Nhà máy xử lý nước thải (Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền) 980kWp, Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam 360kWp, Công ty CP Dịch vụ du lịch Phú Thọ 259,2kWp, Công ty TNHH Sepzone Linh Trung 258,72kWp, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op xa lộ Hà Nội 210kWp.

Riêng về phía EVNHCMC, tính luôn Công ty Điện lực Phú Thọ, đến nay đã có 19 đơn vị trực thuộc EVNHCMC hoàn tất công tác lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở đơn vị, với tổng công suất lắp đặt 1.127,97kWp. Hiện các đơn vị còn lại đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới với tổng công suất lắp đặt ước tính 2.658kWp, dự kiến đưa vào vận hành cuối tháng 6-2019.

Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, nhấn mạnh: “Từ thời điểm ban đầu vào năm 2013, mới chỉ có 200kWp điện mặt trời được lắp đặt trên địa bàn TPHCM. Đến nay, trong giai đoạn 2017-2018, công suất lắp đặt điện mặt trời tăng rất nhanh do Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 có hiệu lực. Đây được xem là cột mốc báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ, cũng như sự quan tâm sử dụng điện mặt trời của người dân TPHCM - vốn là một thành phố luôn đi đầu trong việc sử dụng các loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.

Thời điểm thích hợp 

Với chi phí pin mặt trời giảm từ 10% - 15%/năm, đồng thời còn có các gói bảo hiểm sản lượng điện khi lắp đặt; theo ngành điện, đây là thời điểm thích hợp để điện mặt trời đi vào đời sống của người dân. Sau khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12-9-2017 của Bộ Công thương được ban hành, để hỗ trợ khách hàng trong việc triển khai hệ thống điện mặt trời nối lưới áp mái, EVNHCMC đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để các đơn vị triển khai thực hiện. Đặc biệt, nếu hệ thống điện mặt trời của khách hàng đáp ứng đầy đủ các hạng mục theo quy định, các công ty điện lực khu vực sẽ triển khai lắp đặt miễn phí điện kế 2 chiều cho khách hàng và ký với khách hàng biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Song song đó, EVNHCMC cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các nhà cung cấp đang hợp tác với EVNHCMC; tổ chức làm việc với các khách hàng tiềm năng như cơ quan, trường học, bệnh viện, khách sạn, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp… trên địa bàn để phát bộ tài liệu tuyên truyền đến khách hàng. Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đang hợp tác với EVNHCMC trong chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện” để tuyên truyền đến các hộ gia đình. Tổ chức tuyên truyền đến CB-CNV trong toàn EVNHCMC hiểu rõ về chủ trương sử dụng điện mặt trời; từ đó góp phần tuyên truyền đến người dân và đóng vai trò tiên phong trong việc sử dụng điện mặt trời. Hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị điện mặt trời để triển khai các chương trình ưu đãi dành cho CB-CNV ngành điện và khách hàng khi đăng ký mua thiết bị thông qua ngành điện…

Để thúc đẩy việc triển khai chương trình điện mặt trời nối lưới trên địa bàn TPHCM, EVNHCMC kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ ngành liên quan hướng dẫn cách thức quyết toán lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới đối với các dự án điện mặt trời nối lưới trên mái nhà. Đưa việc lắp đặt điện mặt trời áp mái thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và là tiêu chí để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp. Trong các văn bản pháp lý liên quan đến điện mặt trời, đề nghị thống nhất đơn vị chung là kWp và MWp để tránh gây nhầm lẫn cho chủ đầu tư dự án; đặc biệt trong các trường hợp dự án có công suất lớn phải bổ sung quy hoạch và cấp giấy phép hoạt động điện lực. Hiện tại, Thông tư 16/2017/TT-BCT đang sử dụng đơn vị MW cho việc bổ sung quy hoạch và cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đấu nối điện mặt trời trên mái nhà thống nhất chung cho cả nước cũng như ban hành quy định về chi phí kiểm tra, thử nghiệm yêu cầu kỹ thuật nối lưới và danh sách các đơn vị có thể thực hiện công tác này bên cạnh các đơn vị điện lực. Sớm có các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời tương tự như chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây và ban hành quy định thuận lợi về việc xin giấy phép xây dựng, về quy định tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

EVNHCMC cho biết, khi có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời, khách hàng có thể liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm để được tư vấn công suất lắp đặt tấm pin mặt trời phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi hoàn tất việc lắp đặt, khách hàng thông báo nhu cầu bán lại lượng điện dư cho ngành điện bằng cách liên hệ trực tiếp với các công ty điện lực khu vực hoặc qua tổng đài của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (1900545454) để được hướng dẫn.

Tin cùng chuyên mục