Giải pháp quy hoạch - tài chính cho dự án sân bay Long Thành

Nhu cầu đi lại của hành khách cũng như vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước tăng nhanh trong thời gian qua, khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Công suất khai thác thực tế năm 2016 là 32 triệu lượt/năm, vượt trên công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu lượt/năm.
 Do đó, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai về đi lại và vận chuyển hàng hóa của hành khách nói riêng, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói chung, hỗ trợ năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này không hề dễ dàng trên thực tế vì khó khăn về nguồn vốn.
Giải pháp quy hoạch - tài chính cho dự án sân bay Long Thành ảnh 1 Mô tả ảnh
Trong khi đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã và đang tích cực đầu cơ đất đai, bất động sản dưới nhiều hình thức để ăn theo, hưởng lợi từ việc triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành đang rất nhức nhối. Ngoài ra, hiện nay dự án sân bay Long Thành chưa đặt tầm nhìn nghiên cứu quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện khu đô thị phát triển song hành cùng với sân bay. Điều này sẽ gây những khó khăn, bất cập trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng dự án về sau. Do đó, cần phải có giải pháp chiến lược về kết hợp quy hoạch - tài chính để triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Rõ ràng đối với một dự án lớn như sân bay Long Thành, cần một giải pháp đồng bộ để dự án có thể được triển khai bằng nguồn tài chính hợp lý, khả thi, thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội một cách toàn diện.

Chúng ta cần thống nhất hai nguyên tắc về tài chính và cách thức để triển khai thực hiện dự án.

Một là dự án mang lại lợi ích cho ai thì cá nhân, tổ chức thụ hưởng phải có trách nhiệm trả tiền (nguyên tắc của sự công bằng).

Hai là tiền (nguồn tài chính) cần được nghiên cứu và tạo ra từ trong việc lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Đối với sân bay Long Thành, nguồn tài chính để chi trả việc triển khai thực hiện dự án sẽ gồm hai nguồn: nguồn tài chính từ ngân sách quốc gia (đề xuất dự kiến khoảng 30% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án) và nguồn tài chính thu về từ trong giải pháp quy hoạch và lập kế hoạch triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành (dự kiến khoảng 70% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án).
Điều cốt lõi của việc triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành, trước hết cần mở rộng quy mô dự án sân bay thành khu đô thị sân bay Long Thành, bao gồm sân bay Long Thành và khu đô thị phát triển gắn liền dự án sân bay. Quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện dự án phải được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các đối tác tham gia có liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chấp thuận và được Quốc hội thông qua.

Để thực hiện được điều này, có bốn nhóm giải pháp cần ưu tiên triển khai trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Thứ nhất, về cơ chế - chính sách để triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành. Dự án khu đô thị sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm cấp quốc gia, được đề xuất áp dụng các chính sách đặc biệt trong việc triển khai thực hiện dự án. Đối với việc đền bù và giải phóng mặt bằng (GPMB), khuyến khích các chủ sử dụng đất nhận tiền hoặc nhà - đất tái định cư ở giai đoạn sau khi hoàn tất việc bán đấu giá các khu đất dự án thành phần trong khu đô thị cho các chủ đầu tư phát triển dự án. Bên cạnh đó, đối với việc thu hút vốn đầu tư, khuyến khích các cá nhân - tổ chức, các quỹ đầu tư tài chính, các ngân hàng… đầu tư tài chính vào dự án thông qua hình thức mua trái phiếu của dự án hoặc cho vay vốn đầu tư thực hiện dự án với mức lãi suất ưu đãi được cam kết bởi Chính phủ.

Thứ hai, thành phần và vai trò các đối tác tham gia thực hiện dự án cần được xác định rõ cũng như nêu rõ vai trò của họ. Có thể bao gồm: đơn vị tư vấn, đơn vị đền bù và giải phóng mặt bằng (gọi tắt là đền bù và GPMB), chủ đầu tư dự án khu đô thị sân bay Long Thành; chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành; các chủ sử dụng đất thuộc phạm vi dự án khu đô thị sân bay Long Thành; các nhà đầu tư tài chính; các chủ đầu tư phát triển dự án thành phần thuộc phạm vi khu đô thị xung quanh sân bay Long Thành; ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư.

Thứ ba, việc lập - phê duyệt quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện dự án cần được nghiên cứu, tính toán kỹ càng. Quy mô diện tích dự án khu đô thị sân bay Long Thành được xác định trên nguyên tắc: Nguồn thu từ việc bán đấu giá các khu đất dự án thành phần Khu đô thị sân bay Long Thành = Chi phí đền bù và GPMB toàn bộ khu đô thị sân bay Long Thành + 70% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án sân bay Long Thành + Lợi nhuận đầu tư tài chính toàn bộ dự án.

Thứ tư, việc triển khai thực hiện dự án sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn đền bù và GPMB, dự kiến khoảng hai năm. Kết thúc giai đoạn 1, đơn vị đền bù và GPMB tiếp nhận toàn bộ quỹ đất dự án khu đô thị sân bay Long Thành từ các chủ sử dụng đất và bàn giao cho chủ đầu tư dự án khu đô thị sân bay Long Thành.

Giai đoạn 2 là giai đoạn triển khai thực hiện dự án, dự kiến khoảng năm năm. Kết quả của giai đoạn này là khu đô thị sân bay Long Thành được hoàn thành theo quy hoạch và kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong đó Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tiếp nhận và quản lý khai thác sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, quản lý vận hành khu đô thị gắn liền sân bay.

Những đề xuất trên đây dựa vào tính toán khoa học và nghiên cứu chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, với mong muốn được đóng góp giải pháp để hoàn thiện cùng lúc sân bay Long Thành và khu đô thị gắn liền với sân bay Long Thành, giúp dự án có thể được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng với hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, cách làm nêu trên sẽ tạo tiền đề để triển khai hàng loạt các dự án cải tạo và phát triển đô thị tại Việt Nam theo cách khả thi nhất trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục