Giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL

Nổi tiếng vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng trong những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiễm mặn do biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. Để phát triển cái nôi sản xuất nông nghiệp thuận thiên theo thời tiết, nhiều chuyên gia đầu ngành đã khuyến khích tăng diện tích nuôi thủy sản, tiếp theo là trái cây và giảm diện tích trồng lúa.

Tăng cường công nghệ

Năm 2018, ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, với sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Đứng sau lúa là thủy sản, sản lượng tôm 0,6 triệu tấn, chiếm 70%; sản lượng cá tra 1,4 triệu tấn, chiếm 95%. Cuối cùng là sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực ĐBSCL đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.

Trong giai đoạn 2015-2018, diện tích gieo trồng lúa giảm mạnh khoảng 195.000ha, chủ yếu do giảm vụ. Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.000ha lên 807.000ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 35% lên 42%; diện tích trái cây tăng từ 308.000ha lên 347.000ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10%. Phân tích tại sao lại có sự biến đổi này, bà Phạm Hoàng Vân, chuyên gia phát triển kinh tế Ngân hàng Thế giới, nhận định là do tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng. Từ đó, ĐBSCL đã thúc đẩy các hoạt động thích ứng, thuận thiên thời tiết để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp. Cụ thể, trồng lúa nhân rộng việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường. Đối với tình trạng xâm nhập mặn đang xảy ra, nông nghiệp chú trọng chuyển đổi trên đất lúa dễ bị ảnh hưởng sang nuôi trồng nước lợ và đối với cây trồng chịu mặn.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, từ 15 năm trước, tập đoàn đã tăng cường nghiên cứu và sản xuất được hạt giống kháng mặn. Đối với biến đổi khí hậu, tập đoàn còn tăng cường công nghệ như thu hoạch bằng máy cắt rơm, tưới ướt và tưới khô xen kẽ lẫn nhau để sử dụng nước ngọt hợp lý. Thay vì đốt, rơm được cắt nhỏ bằng máy để ủ thành phân vi sinh. Hơn 25% kỹ sư trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân giảm sản lượng để bảo vệ đất và tiết kiệm vật tư nông nghiệp; đồng thời giảm phẩm giảm giá thành nhưng gạo đạt chất lượng hơn, an toàn và giá thành cao hơn. 

Ở một ngành khác, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, chia sẻ, giải pháp để con tôm thích nghi với biến đổi khí hậu “chìa khóa” duy nhất là tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, con tôm giảm giá thành trong quá trình nuôi. Yếu tố quan trọng là tập đoàn đã chủ động nguồn tôm bố mẹ thẻ chân trắng để lựa chọn tôm giống đạt chất lượng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương. Tránh chịu tác động của thời tiết, con tôm trong nhà kính được sống trong môi trường đảm bảo an toàn và tăng đạt chất lượng siêu thâm canh. Đây là mô hình tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và an toàn sinh học, đặc biệt là những thay đổi của ngoại cảnh, môi trường sẽ được khắc phục tối đa.

Xây dựng chiến lược phù hợp

Trước tình hình biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt thực hiện 4 nhiệm vụ lớn gồm: xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; rà soát thủy lợi và phòng chống thiên tai; xây dựng và triển khai Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng và triển khai Chương trình giống chủ lực ĐBSCL. Song song đó, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL như sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Vnsat, dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL.

Để nông dân nhận thức, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp thời tiết là thành quả Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời từ năm 2017 thể hiện một chiến lược phát triển ĐBSCL bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, với vai trò đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vui mừng cho hay kết quả nổi bật là đã có sự chuyển biến nhận thức đồng bộ toàn bộ hệ thống. Nông dân đã chuyển thách thức thành cơ hội từ sản xuất lúa gạo nhiều nhất, kế tiếp thủy sản và trái cây; thì nay thay đổi thành thủy sản nhiều nhất, kế tiếp trái cây và cuối cùng lúa gạo nhờ sử dụng tài nguyên hợp lý, ứng dụng công nghệ… Bên cạnh đó, ĐBSCL cần phải xúc tiến trở thành một trung tâm đủ điều kiện về nguồn lực và công nghệ để có số liệu dự báo thường xuyên để doanh nghiệp đầu tư.

Để phát triển bền vững, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập sinh thái ĐBSCL, nhận định để Nghị quyết 120/NQ-CP thành công cần phải thực hiện đồng bộ với Quyết định 593/QĐ-TTg của Chính phủ quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, Luật Quy hoạch 2017. Đây chính là bộ ba chính sách để phát triển vùng ĐBSCL và cần phải thực hiện thật chậm để phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu lúa cho từng tỉnh, tránh tình trạng “tay trái quàng tay phải” trong việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP giảm diện tích lúa thì cần bỏ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, các tỉnh thường tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nên xảy ra việc cạnh tranh đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ dẫn đến trùng lắp giữa các tỉnh, thành. Do đó, các vùng cần phải có liên kết để phân bổ hợp lý.

Tin cùng chuyên mục