Giải pháp hạn chế rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm

Gửi tiền tiết kiệm được đánh giá là một trong những cách an toàn và hiệu quả với những người không có nhu cầu đầu tư. Thế nhưng thời gian qua, nhiều trường hợp mất tiền trong tài khoản ngân hàng đã khiến cho người gửi tiền cảm thấy e ngại. 
Nhất là mới đây, vụ một vị khách của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc kiểm soát rủi ro trong giao dịch tiền gửi. 
Ngân hàng tăng dịch vụ kiểm tra số dư 
Sau vụ việc này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã gửi thông báo cho khách hàng hướng dẫn cách theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của mình đang gửi tại ngân hàng.
Cụ thể, tại Maritimebank, bất kỳ lúc nào, khách hàng chỉ cần truy cập vào website của ngân hàng này là có thể nắm rõ mọi thông tin cập nhật mới nhất, cũng như tra cứu số dư của sổ tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng. Cách làm này còn áp dụng đối với cả những khách hàng không sử dụng các dịch vụ Internet banking, Mobi banking, nhằm giúp mọi khách hàng chủ động tra cứu được tình trạng số tiền tiết kiệm của mình với cách thức đơn giản và nhanh chóng.
Với những khách hàng này, chỉ cần truy cập website ngân hàng, nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, sẽ tra cứu được các thông tin liên quan như: tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn… mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Tương tự, Sacombank cũng vừa triển khai việc tra cứu từ xa thông tin về sổ tiết kiệm để giúp khách hàng theo dõi kịp thời số dư tài khoản. Cụ thể, người gửi tiền chỉ cần đăng ký thủ tục một lần tại bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng này, hoặc đăng ký trực tuyến trên trang web của Sacombank, rồi tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web. Đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử Sacombank - bao gồm Internet banking, ứng dụng Mobile banking hoặc Mobile banking, web còn tra cứu được thông tin sổ tiết kiệm bằng cách vào mục tài khoản hoặc tài khoản có kỳ hạn trên ngân hàng điện tử. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của các sổ tiết kiệm. 
Lãnh đạo Maritimebank nhận định, các giải pháp này sẽ góp phần xóa tan lo lắng của nhiều khách hàng trong thời gian gần đây khi nghe về những rủi ro mất tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Một số khách hàng chia sẻ không biết làm thế nào để có thể nắm rõ được số tiền mình tin tưởng cất trong nhà băng vẫn đang an toàn, nếu mỗi tháng hay mỗi kỳ đáo hạn phải đến ngân hàng để kiểm tra thì khá bất tiện.
Giải pháp hạn chế rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm ảnh 1 Theo quy định hiện hành, người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: HUY ANH
Đánh giá cao việc các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng bổ sung tính năng tra cứu sổ tiết kiệm, giúp người gửi tiền có thể thông qua các giải pháp công nghệ chủ động kiểm tra số dư sổ tiết kiệm một cách thuận tiện nhất, tuy nhiên các chuyên gia trong ngành cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng cần rà soát và chấn chỉnh lại quy trình quản lý nội bộ, kiểm soát rủi ro của mình để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. 
Tự bảo vệ mình 
Rõ ràng sau khi khách hàng đã gửi tiền, việc giữ tiền và đảm bảo về tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ mất tiền từ ngân hàng thời gian qua cho thấy, có một phần lỗi do khách hàng vì chủ quan đã tin tưởng “mù quáng” nhân viên ngân hàng, sẵn sàng ký tất cả những giấy tờ mà nhân viên ngân hàng yêu cầu. Vụ khách hàng VIP Chu Thị Bình của Eximbank bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm là một ví dụ điển hình.
Nói về việc nhiều khách hàng VIP thích giao dịch với một nhân viên ngân hàng, hoặc được ngân hàng đặc cách cho nhân viên đến nhà để thực hiện các giao dịch, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, những khách gửi ngân hàng với số tiền lớn thường có “nhu cầu” gặp sếp ngân hàng để đàm phán lãi suất ngoài, vì nếu giao dịch tại ngân hàng sẽ khó.
“Các sếp ngân hàng được sử dụng phần hoa hồng cho phép, hoặc chấp nhập sử dụng hoa hồng riêng (tiền túi) để thu hút khách hàng nhằm đạt chỉ tiêu, thành tích... Do vậy mới có chuyện khách VIP làm việc với sếp của ngân hàng như trường hợp Eximbank mới đây”, ông Hiển cho hay. 
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tất cả các giao dịch của ngân hàng phải được thực hiện tại trụ sở của ngân hàng, vì lúc đó có các nhân viên, kiểm soát viên, đúng theo quy trình ký kết, rồi những dữ liệu giao dịch đó được nhập vào hệ thống hạch toán của ngân hàng tức thì. Trong trường hợp giao dịch tiền gửi được thực hiện tại nhà riêng của khách hàng, điều đó có nghĩa khách hàng chấp nhận bỏ qua một số quy trình trong lúc thực hiện giao dịch gửi tiền. Việc này sẽ gây rất nhiều rủi ro, đặc biệt trong khoảng thời gian nhân viên ngân hàng mang tiền nhận được của khách hàng về để nhập vào hệ thống hạch toán tại trụ sở của họ.
“Từ sự việc mất tiền tại Eximbank cho thấy, để hạn chế rủi ro tương tự xảy ra trong tương lai, các thành phần liên quan trong hệ thống tài chính phải tuân thủ nghiêm các quy định của ngành”, ông Hiếu nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới, rất ít trường hợp nhân viên ngân hàng đến nhà riêng để phục vụ khách hàng, mà tất cả các giao dịch phải được thực hiện trong trụ sở ngân hàng. 
Quyết định 1160 của Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, theo đó, người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu khách hàng thực hiện giao dịch đúng quy trình và tại trụ sở của ngân hàng thì rủi ro gần như không xảy ra.
Bà Chu Thị Bình mở sổ tiết kiệm tại Eximbank, được ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM, cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng để thực hiện những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã “biến mất” với số tiền 245 tỷ đồng. 
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên tại Eximbank chi nhánh TPHCM. Tất cả giao dịch liên quan đều có chữ ký thật của bà Bình. Chữ ký trên giấy ủy quyền được giám định là chữ ký thật; còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật. Nói về việc tại sao có chữ ký thật của bà Bình trên giấy ủy quyền, lãnh đạo Eximbank cho biết đây là các chữ ký sẵn, vì bà Bình là khách hàng VIP, có số tiền gửi rất lớn, được ngân hàng chăm sóc đặc biệt. 

Tin cùng chuyên mục