Giải pháp an toàn đối với không gian, công trình ngầm

Việc “làm chủ” được phần không gian dưới mặt đất sẽ tạo nhiều lợi thế để xây dựng mô hình đô thị hiện đại, phát triển bền vững song an toàn là chỉ số rất quan trọng đối với hầu hết không gian công trình ngầm, đặc biệt về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Giải pháp an toàn đối với không gian, công trình ngầm ảnh 1 Thực tập phương án PCCC và CNCH trong đường hầm vượt sông Sài Gòn
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TPHCM có khoảng 1.641 công trình có tầng hầm và bán hầm; trong đó, nhiều công trình quy mô lớn đã đi vào hoạt động như tòa nhà Vincom Center (quận 1, có 6 tầng hầm), tòa nhà Sài Gòn Centre (quận 1, với 5 tầng hầm), đường hầm vượt sông Sài Gòn, khu Trung tâm Thương mại dưới lòng đất Sensi market (quận 1)...
Bên cạnh đó còn có tuyến Metro số 1 đang thi công với nhiều hạng mục nhà ga và trung tâm thương mại dịch vụ ngầm, nối từ trước chợ Bến Thành đến Nhà hát TP… Việc “làm chủ” được phần không gian dưới mặt đất sẽ tạo nhiều lợi thế để xây dựng mô hình đô thị hiện đại, phát triển bền vững song an toàn là chỉ số rất quan trọng đối với hầu hết không gian công trình ngầm, đặc biệt về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
Những không gian công trình ngầm với công năng dùng làm garage xe hoặc thương mại thường có diện tích lớn, trữ lượng chất cháy nhiều và đa dạng, có cả nhiên liệu “nhạy lửa” như xăng, dầu bên trong các phương tiện. Cùng với đó là vấn đề tận dụng tối đa mặt bằng để bố trí, sắp xếp hàng hóa và điều kiện thông gió trong không gian ngầm chủ yếu là thông gió cưỡng bức; nguồn sáng chủ yếu là ánh sáng nhân tạo, hệ thống điện chiếu sáng thường xuyên làm việc thời gian dài, khi có cháy hệ thống điện sẽ bị ngắt hoàn toàn… nên không dễ chữa cháy và CNCH nếu có sự cố xảy ra.
Với vai trò cơ quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC và CNCH, trong tháng 5-2018, Cảnh sát PCCC TP đã nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở “Giải pháp PCCC và CNCH đối với các công trình ngầm ở TPHCM” do Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn - chỉ đạo về phòng cháy, làm chủ nhiệm.
Đề tài khoa học này tập trung đề xuất những quan điểm vận dụng các quy chuẩn trong và ngoài nước vào thực tiễn thiết kế công trình ngầm tại địa phương. Trong đó, nội dung chủ yếu xoay quanh các nhóm giải pháp kỹ thuật cần thiết áp dụng khi bố trí công năng trong không gian ngầm, gồm giải pháp quy hoạch về không gian, giải pháp thoát nạn, giải pháp thông gió hút khói, giải pháp hệ thống PCCC và phục vụ chữa cháy...
Nhận xét về công trình nghiên cứu, đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM tin tưởng với tâm huyết và quyết tâm của cả tập thể, Cảnh sát PCCC TP sẽ chủ động, sẵn sàng có giải pháp ứng phó khoa học và hiệu quả, đảm bảo an toàn PCCC - CNCH đối với không gian, công trình ngầm trên địa bàn quản lý, góp phần vào sự phát triển chung, bền vững của TPHCM ª

Tin cùng chuyên mục