“Giải cứu” nút thắt giao thông Cát Lái

Với lưu lượng khoảng 20.000 lượt xe tải, xe container đi qua mỗi ngày  Khu cảng biển Cát Lái (quận 2, TPHCM) là một trong những khu “nóng” về ùn tắc giao thông ở TPHCM. 
Xe container từ cảng đi vào nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TPHCM) Ảnh: CAO THĂNG
Xe container từ cảng đi vào nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TPHCM) Ảnh: CAO THĂNG
Khu cảng biển Cát Lái (quận 2, TPHCM) là một trong những khu “nóng” về ùn tắc giao thông ở TPHCM. Khoảng 50% lượng container ra vào các cảng biển của đất nước với khoảng 20.000 lượt xe tải, xe container đi qua mỗi ngày là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ở đây. Thêm vào đó, nhiều tuyến đường qua khu vực cảng biển Cát Lái còn là những tuyến đường cửa ngõ huyết mạch phía Đông của TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc.
“Giải cứu” nút thắt giao thông Cát Lái ảnh 1 Phương tiện giao thông nối đuôi nhau vào vòng xoay Mỹ Thủy       Ảnh: CAO THĂNG
Có thể nói, chưa có khu vực nào ở TPHCM được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhiều như khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố. Trong vòng 10 năm trở lại đây, có đến hàng chục dự án xây dựng cầu, đường… trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã và đang được TPHCM triển khai thực hiện
Công trình nối tiếp công trình
Những ngày này, nhịp độ thi công công trình cầu vượt và hầm chui qua nút giao thông Mỹ Thủy tất bật hơn bao giờ hết. Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải TPHCM làm chủ đầu tư công trình này cho biết, nút Mỹ Thủy là điểm giao cắt giữa 2 tuyến đường quan trọng: Vành đai 2 và Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống đi vào khu cảng Cát Lái. Lượng xe đi lại đông và nút lại giao cắt bằng nên gần như ngày nào ở đây cũng xảy ra ùn ứ, thậm chí ùn tắc giao thông, đặc biệt vào 4 thời điểm: 2 - 4 giờ, 6 -10 giờ, 13 -15 giờ, 16 - 18 giờ. Hầu hết các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái đều bị kẹt cứng bởi xe tải, xe container xếp hàng dày đặc trên đường.
“Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực không những đến hoạt động của các cảng biển mà còn làm cho cuộc sống người dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, cả chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đã nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ công trình quan trọng này”, ông Lê Ngọc Hùng nói.
Dự án xây dựng cầu vượt và hầm chui qua nút Mỹ Thủy (giai đoạn 1) được TPHCM khởi công vào đầu tháng 6-2016. Dự án chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1, xây dựng cầu Kỳ Hà 3 với quy mô 4 làn xe, cầu vượt trên Vành đai 2 quy mô 4 làn xe, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cát Lái với 2 làn xe và các nhánh đường bờ tả và hữu rạch Mỹ Thủy. Tổng mức đầu tư của của giai đoạn này 837,93 tỷ đồng. Tháng 3-2017 vừa qua, hạng mục xây dựng cầu Kỳ Hà 3 đã hoàn tất và hiện cầu Kỳ Hà 3 đã được đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, đến tháng 12-2017 toàn bộ giai đoạn 1 của dự án xây dựng cầu vượt và hầm chui nút Mỹ Thủy sẽ hoàn thành nhưng do có chỉ đạo nêu trên, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã rút ngắn thời gian thi công và có khả năng đưa được công trình vào sử dụng trong tháng 9-2017. 
  Sau giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án sẽ gấp rút được triển khai để tăng năng lực giao thông cho cả khu vực. Giai đoạn 2 của dự án bao gồm các hạng mục xây cầu vượt 2 trên Vành đai 2 với 4 làn xe, cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ 2 làn xe, cầu vượt Mỹ Thủy 3 quy mô 6 làn xe (giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2), cầu Kỳ Hà 4 quy mô 4 làn xe (trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái). Tổng vốn đầu tư giai đoạn này trên 1.000 tỷ đồng.
   Cùng với dự án xây dựng hầm chui và cầu vượt ở nút giao thông Mỹ Thủy, nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khác cũng đang được triển khai ở đây. Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đang khẩn trương thiết kế đường nối từ nút Mỹ Thủy tới cầu Phú Hữu để có thể khởi công công trình vào tháng 9-2017. Dự án có kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Một dự án khác, xây dựng cầu Bà Cao với tổng kinh phí khoảng 270 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn thiết kế. Theo kế hoạch, công trình sẽ được khởi công vào tháng 9-2017. Chưa hết, dự án làm đường có kinh phí dự kiến 490 tỷ đồng nối từ đường Mai Chí Thọ đến đảo Kim Cương đang được khởi động. Dự án làm đường nối từ Tân Cảng ra Vành đai 2 song song với đường Nguyễn Thị Định có kinh phí đầu tư 430 tỷ đồng, đã lên kế hoạch khởi công, đó là trong năm 2018. 
 Thế nhưng, không phải bây giờ TPHCM mới dồn nhiều lực cho hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực phía Đông. Những năm 2005 - 2010, TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng liên tỉnh lộ 25B nối khu cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Rạch Chiếc 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, xây cầu Sài Gòn mới….
  Trong tương lai, hàng ngàn tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục được “đổ” vào hệ thống hạ tầng giao thông khu Đông. Theo ông Lê Ngọc Hùng, TPHCM đã có kế hoạch mở thêm một làn/mỗi bên cho đường Đồng Văn Cống, làm đường song hành với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… Hiện chưa tính được chính xác tổng mức đầu tư nhưng với mức giá hiện thời, tổng kinh phí cho các dự án này chắc chắn cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. 
Chưa chắc đã… ổn
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sau khi giai đoạn 1 của dự án xây dựng cầu vượt, hầm chui ở nút Mỹ Thủy hoàn thành, giao thông tại khu vực này dự kiến sẽ được tổ chức như sau: ô tô các loại lưu thông từ đường Vành đai 2 sẽ qua hầm chui về hướng Cát Lái; ô tô các loại lưu thông từ cầu Rạch Chiếc 2 sẽ qua cầu vượt để đi về cầu Phú Mỹ… Xóa được các điểm giao cắt đồng mức giữa các làn xe trong khu vực nút giao thông Mỹ Thủy, chắc chắn giao thông ở đây sẽ được cải thiện đáng kể.
Thế nhưng, ngay cả khi triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án này, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về tính bền vững, ổn định, đáp ứng được nhu cầu giao thông lâu dài của hệ thống hạ tầng giao thông ở đây. Sự đắn đo của nhiều chuyên gia có lý do. Nhiều công trình giao thông tại đây khi mới hoàn thành đã góp phần rất tốt cho hoạt động giao thông nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bắt đầu quá tải. Liên tỉnh lộ 25B là một ví dụ. Đây là tuyến đường huyết mạch nối khu cảng Cát Lái với xa lộ Hà Nội. Thời gian đầu, việc mở rộng liên tỉnh lộ 25B đã giúp cho giao thông giữa khu cảng Cát Lái và xa lộ Hà Nội được cải thiện đáng kể… Thế nhưng, cùng với sự tăng trưởng bình quân khoảng 10% năm của khu cảng Cát Lái (từ năm 2010 đến 2016), liên tỉnh lộ 25B và nhiều tuyến đường quanh khu cảng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Ngày 16-1-2015, chỉ vì một số xe container phải xếp hàng chờ vào cảng, lấn ra xa lộ Hà Nội đã khiến cho dòng xe trên tuyến đường này chạy không được. Ùn tắc giao thông đã xảy ra và kéo dài tới 9 tiếng đồng hồ. 
Chưa kể, hướng Đông là một trong hai hướng phát triển đô thị chính của TPHCM. Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt dự án phát triển đô thị của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã hình thành tại khu Đông. Dự án của công ty phát triển nhà Phú Nhuận, Thủ Đức, Khang Điền, Hưng Thịnh, Đức Khải… với hàng ngàn căn hộ và đất nền. Tuy không phải là khu vực có mức tăng dân số, đặc biệt là dân số cơ học cao nhất TPHCM nhưng thời gian qua, khu vực phía Đông cũng có rất nhiều người dân các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc và học tập. Ngày 19-1-2015, tức chỉ 3 ngày sau vụ kẹt xe kéo dài 9 giờ, tại ngã tư Thủ Đức, vì mất tín hiệu đèn giao thông, dòng xe trở nên hỗn loại, ùn tắc giao thông đã xảy ra. Vụ ùn tắc này kéo dài từ khoảng 7 giờ đến gần 10 giờ cùng ngày mới được xử lý xong.

Tin cùng chuyên mục