“Giải cứu” di tích Thành Điện Hải

Ngày 15-12, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và các nhà quản lý.

Một góc di tích Thành Điện Hải nằm giữa trung tâm TP Đà Nẵng
Một góc di tích Thành Điện Hải nằm giữa trung tâm TP Đà Nẵng

Di tích bị xâm hại

Di tích Thành Điện Hải (hay còn gọi là Đồn Điện Hải, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (năm 1813), nằm ở tả ngạn sông Hàn. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đồn Điện Hải được dời vào bên trong đất liền, xây bằng gạch trên một gò đất cao và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835) được đổi tên là Thành Điện Hải.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhất là sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, Thành Điện Hải bị xâm hại khi thực dân Pháp lấy thành để xây dựng bệnh viện quân y vào năm 1895, nhà nguyện vào năm 1900...

Sau năm 1975, Xí nghiệp Dược Trung ương V đã sử dụng thành làm nhà xưởng chế biến thuốc tân dược. Năm 1988, Thành Điện Hải được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ, nên nhiều đoạn tường và hào rãnh phía Bắc và phía Tây Nam đã bị đập phá để mở đường vận chuyển thuốc và xây nhà kho…

Năm 2004, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định chuyển Xí nghiệp Dược Trung ương V đi nơi khác, rồi cho trùng tu, tôn tạo bước đầu. Đến năm 2007, UBND TP Đà Nẵng đã cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên Thành Điện Hải, đập bỏ các dãy nhà kho của Xí nghiệp Dược Trung ương V. Từ một di tích quan trọng, Thành Điện Hải có nguy cơ trở thành một phế tích…

GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận một thực tế là chính trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng, một công trình kiên cố cao tầng với kiến trúc hiện đại nằm ngay trong khu vực bảo vệ 1 tại khuôn viên Thành Điện Hải (hoàn thành vào năm 2011 với tổng số tiền đầu tư lên tới 45 tỷ đồng); tòa nhà Công viên phần mềm, tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng và Trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi xây dựng ở khu vực 2 của Thành Điện Hải... là sự vi phạm nặng nhất đến tính toàn vẹn của di tích.

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, năm 2002, trong chuyến công tác sang Pháp, ông lục tìm trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ một số bản đồ Thành Điện Hải, trong đó có một bản đồ vẽ nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương, dù thời gian vẽ cách đó 30 năm, tức năm 1888, khi Đà Nẵng đã trở thành thành phố nhượng địa.

“Nay, không còn cơ hội để phục dựng nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương bởi sự án ngữ của Trung tâm hành chính mà không biết đến khi nào mới di dời, giải tỏa được, vậy nên cần làm một sa bàn phục dựng chiến lũy để  tạo một điểm nhấn chính yếu của đường dây trưng bày của Bảo tàng Thành Điện Hải”, ông Mai cho biết.

Tôn tạo, bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Từ năm 2016, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Sở VH-TT TP Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của Thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích có một không hai này. Đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc và phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng. Tiếc rằng, một thời gian dài, di tích này bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng.

Thấy được giá trị lịch sử to lớn của di tích Thành Điện Hải đối với lịch sử dân tộc, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Quy hoạch tổng thể và giao cho ngành văn hóa quản lý, bảo vệ, nghiên cứu các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

“Hy vọng rằng, sau khi trùng tu và tôn tạo, Thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ đỏ trên mạng lưới các di tích văn hóa - lịch sử thành phố, là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn này”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.

Theo GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, trong thời gian tới, nên tập trung mọi nỗ lực để triển khai giải tỏa đền bù các hộ dân phía Tây Thành Điện Hải; tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước; phục dựng lại một số công trình thiết yếu khi xưa như nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công... Điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở các tài liệu lịch sử. 

PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng, với tư cách là một bộ phận di sản kiến trúc đô thị, vấn đề quy hoạch tổng thể bảo tồn Thành Điện Hải gắn với phát triển du lịch bền vững, TP Đà Nẵng đặt ra yêu cầu phải đầu tư vào việc nghiên cứu mang tính chất liên ngành để nhận diện thật sâu sắc và toàn diện các mặt giá trị của di tích... Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải cần phải được xây dựng xuất phát từ nhu cầu và mong muốn tìm thấy ký ức lịch sử của cha ông, chứ không theo tư duy xưa cũ, cứng nhắc của người quy hoạch, người nghiên cứu tu bổ di tích. Di tích Thành Điện Hải sau khi tu bổ, tôn tạo phải được đặt trong nền cảnh một không gian “phố xưa Đà Nẵng” và những hàng cây xanh để có một không gian công cộng điển hình.

“Nếu không làm được điều đó chắc chắn sản phẩm do chúng ta tu bổ, tôn tạo sẽ không bao giờ lọt vào tầm ngắm cũng như bảng lựa chọn điểm đến du lịch của khách trong nước và quốc tế”, PGS-TS Đặng Văn Bài cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục