Giá trị nhân văn trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”



Bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (TNCĐCS) do Mác-Ăngghen cùng soạn thảo năm 1848 đã có lịch sử 170 năm là một văn kiện chính trị vô giá, trở thành Cương lĩnh của phong trào công nhân thế giới. Một trong những giá trị nổi bật và xuyên suốt trong TNCĐCS là giá trị nhân văn chủ nghĩa. Tầm vóc lịch sử của TNCĐCS và những tác giả đã viết lên bản văn bất hủ, là ở chỗ, các ông đã hình dung và khẳng định mục đích tự thân của lịch sử, giá trị đích thực của sự phát triển, đó là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Tư tưởng ấy làm nên giá trị bền vững của TNCĐCS - tác phẩm đánh dấu giai đoạn trưởng thành, sự thành thục của Chủ nghĩa Mác, cũng là giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác nói chung. Giá trị ấy chính là giá trị nhân văn cộng sản.

TNCĐCS là tuyên ngôn của chủ nghĩa nhân văn khoa học và cách mạng. Giá trị nhân văn trong TNCĐCS hướng tới mục đích cao cả của sự nghiệp giải phóng con người và xã hội, xây dựng xã hội tương lai cộng sản chủ nghĩa. Bởi TNCĐCS là một cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng nên giá trị nhân văn trong TNCĐCS mang đặc tính nhân văn chính trị và văn hóa chính trị. Giá trị nhân văn còn là giá trị nói về bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, của đội tiên phong chiến đấu của nó là Đảng Cộng sản. Các ông đã viết về những người cộng sản trong TNCĐCS như sau:

- Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản.

- Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản. Hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn thể phong trào.
Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên.

Đây là căn cứ cho thấy, những giá trị nhân văn của TNCĐCS thuộc về những giá trị nhân văn chính trị, những giá trị nhân văn cộng sản, định hướng mục tiêu nhân văn của cách mạng cộng sản chủ nghĩa, mà cuộc cách mạng ấy, xét về thực chất là có nội dung kinh tế. Tính triệt để cách mạng chỉ có ở giai cấp vô sản cách mạng, xác định hành động xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng cách mạng, nhất là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản, cũng cho thấy, những giá trị nhân văn không chỉ thể hiện ở lý tưởng giải phóng mà còn làm sáng tỏ nội dung kinh tế và chính trị, tư tưởng và lý luận, khoa học và cách mạng.
 
Một trong những giá trị nhân văn đặc sắc của TNCĐCS là sự phân tích theo phương pháp lôgíc và lịch sử mà các ông vận dụng hết sức nhuần nhuyễn để vừa khẳng định những gì mà giai cấp tư sản đang lên, có tính cách của một giai cấp cách mạng khi tấn công vào trật tự phong kiến cổ truyền để mở đường cho sức sản xuất tư bản phát triển đã làm được, cũng như chủ nghĩa tư bản đã đạt được… vừa phủ định về mặt lý luận và thực tiễn chính trị đối với giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, chỉ rõ thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu như nhau. Những trang viết trong TNCĐCS là những mẫu mực về tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử.

Như đã nói, Mác-Ăngghen là những nhà nhân văn chủ nghĩa của thời đại cách mạng vô sản, các ông đã thể hiện nhất quán bản chất nhân văn cộng sản, làm nên những giá trị nhân văn đặc sắc, thể hiện niềm tin khoa học, đức tin mãnh liệt vào tương lai cộng sản chủ nghĩa, vào lực lượng cách mạng thực hiện sứ mệnh lịch sử, đó là giai cấp công nhân.

Nói đến những giá trị nhân văn trong TNCĐCS, không thể không nói đến tiêu điểm quan trọng nhất làm cho TNCĐCS thực sự là tuyên ngôn nhân văn khoa học và cách mạng, thể hiện mục đích chân chính nhất, mục đích mà chủ nghĩa cộng sản hướng tới. Đó là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Dù đã trải qua 170 năm kể từ khi TNCĐCS ra đời, trải qua bao thăng trầm thử thách trong lịch sử chủ nghĩa xã hội, nhưng tư tưởng cao quý này của TNCĐCS vẫn mãi mãi tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, của những người cộng sản và các Đảng Cộng sản ở các nước và trên toàn thế giới. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần sâu sắc và thực hành bền bỉ chủ nghĩa nhân văn cộng sản đó. Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, xác định hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Việt Nam, đồng thời từ rất sớm đã ý thức rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Người đã giải quyết thành công cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu trên lập trường giai cấp công nhân để phát triển dân tộc tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, vượt qua ý thức hệ phong kiến lỗi thời cũng như những hạn chế của ý thức hệ tư sản, nhất quán trên lập trường giai cấp công nhân và ý thức hệ tiên tiến của thời đại. 

Kết thúc TNCĐCS là khẩu hiệu hành động “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Lênin đã có bổ sung quan trọng, phù hợp với yêu cầu của lịch sử: “Các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã mở rộng khẩu hiệu chiến đấu, khẩu hiệu hành động đó một cách đầy đủ và sâu sắc nhất: “Tất cả mọi người lao động đoàn kết lại”. Trong tư tưởng chiến lược, trong đường lối và phương pháp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết/Thành công, Thành công, Đại thành công”.

Người coi đây là vấn đề chiến lược. Người đã định nghĩa chính trị một cách cô đọng mà sâu sắc “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết”, gắn liền lý luận với thực tiễn hoạt động cách mạng, khoa học với đạo đức. Cho đến cuối đời, trong Di chúc (1965 - 1969) để lại, đoàn kết vẫn là một tư tưởng lớn được Người khẳng định, nhất là đoàn kết trong Đảng trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Người căn dặn: “Giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đủ thấy, Hồ Chí Minh đã thấm nhuần, thực hành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa nhân văn cộng sản, các giá trị nhân văn trong TNCĐCS như thế nào. Hơn nữa, chính Người đã dịch TNCĐCS ra tiếng Việt làm tài liệu huấn luyện cán bộ và giáo dục trong Đảng, trong dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.

Độ lùi của thời gian càng xa, giá trị, sức sống và ý nghĩa của TNCĐCS càng tỏ rõ hiệu ứng và ảnh hưởng của nó chẳng những trong đời sống tư tưởng, học thuật mà còn trong thực tiễn chính trị - xã hội vì giải phóng và phát triển.

Tin cùng chuyên mục