Gia tăng nguy cơ cháy trong mùa khô

TPHCM đang bước vào đỉnh điểm hanh khô, nắng nóng. Thế nhưng, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở nhiều nơi hiện rất lơ là, không chỉ công nhân, người lao động mà ngay cả những đối tượng có kiến thức về PCCC như chủ doanh nghiệp, cán bộ, viên chức nhà nước, bảo vệ khu phố… cũng vi phạm các quy định về PCCC.
Cảnh sát PCCC phun nước dập lửa vụ cháy nhà số 280 đường Trung Mỹ Tây 5 (phường Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn)
Cảnh sát PCCC phun nước dập lửa vụ cháy nhà số 280 đường Trung Mỹ Tây 5 (phường Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn)

Còn coi thường “bà hỏa”

Nửa tháng qua, trên địa bàn TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đơn cử, vào trưa 31-3, tại nhà số 280 đường Trung Mỹ Tây 5 (phường Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn) xảy ra cháy. Dù lực lượng PCCC tại chỗ và Công an quận 12 nỗ lực dập lửa, cứu nạn nhưng toàn bộ tài sản trong căn nhà bị cháy rụi, chủ nhà là ông Nguyễn Quốc Khánh (75 tuổi) tử vong.

Trước đó, ngày 26-3, “bà hỏa” đã ghé thăm nhà kho của Công TNHH Thương mại dịch vụ Minh Chương (chuyên kinh doanh dầu chai, nhựa thông) ở ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07 - Công an TPHCM) cùng Công an huyện Hóc Môn điều động 31 xe cứu hỏa cùng 172 cán bộ, chiến sĩ của 10 đơn vị tham gia chữa cháy liên tục trong nhiều giờ. Tuy nhiên, ngọn lửa vẫn thiêu rụi hơn 800m2 nhà kho và nhiều nhà trọ lân cận. Tổng tài sản thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Nguy cơ cháy và hậu quả để lại từ các vụ cháy lớn xảy ra trong mùa hanh khô rất đáng lo ngại, song tại TPHCM, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra tràn lan. Nơi tồn tại các vi phạm về PCCC là các chợ, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà hàng - quán ăn. Ghi nhận vào sáng 31-3 tại chợ Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8), để giảm bớt sức nóng trong những ngày vừa qua, nhiều tiểu thương ở khu vực kinh doanh hàng thực phẩm khô đã tự ý đấu nối, câu điện, gắn thêm quạt không đúng kỹ thuật.

Nhiều dây điện cũ được cắm trực tiếp vào ổ điện không qua phích điện; ổ cắm điện bỏ tràn lan dưới đất, bên vũng nước đọng nên rất dễ xảy ra chập điện dẫn đến cháy nổ. Bên trong các nhà hàng, quán karaoke, vi phạm PCCC cũng nhan nhản. Mặc dù có quy định không được tồn trữ gas trong kho, nhưng bên trong các nhà hàng Bê Vàng, Tràm Chim (quận Bình Tân); 210 Lê Hồng Phong (quận 5); Vọng Cát (quận 8), chủ nhà hàng vẫn tồn trữ hàng chục bình gas loại 50kg. Đáng ngại hơn, các bình gas này đặt gần tủ điện, ổ cắm điện.

Không chỉ người lao động, công nhân làm việc ở cơ sở sản xuất, quán ăn, mà ngay cả những người có kiến thức về PCCC như giáo viên, viên chức, bảo vệ khu phố, dân phòng cũng vi phạm các quy định an toàn cháy nổ.

Tại khu vực hẻm Bà Ngót (ấp 1B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), người dân đổ rác thành đống ra các khu đất trống ở tuyến hẻm. Cạnh đó, có chốt dân phòng của xã, hàng ngày dân phòng trực chốt thấy người dân đổ rác nhưng không nhắc nhở, kiến nghị chính quyền xử lý, ngược lại còn hút thuốc, vô tư quăng tàn thuốc vào các đống rác. Người dân địa phương phản ánh tại đây từng xảy ra cháy bãi rác, lửa lan sang các bãi cỏ khô bên cạnh, táp vào nhà dân; nguyên nhân do một dân phòng hút thuốc vứt tàn vào bãi rác.

Trong khi người dân nói chung, người lao động, chủ doanh nghiệp, một bộ phận nhân viên làm trong các cơ quan nhà nước nói riêng, vẫn vô tư vi phạm các quy định về PCCC thì hiếm khi thấy chính quyền, ngành PCCC, cảnh sát phụ trách địa bàn theo dõi, nhắc nhở, xử lý các vi phạm. Việc buông lỏng, không sâu sát địa bàn, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm đã và đang làm gia tăng vi phạm, kéo theo nhiều nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Giải pháp nhiều, hiệu quả ít

Đại diện PC07 cho hay, để hạn chế sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra trong mua khô năm 2019, từ trước Tết Kỷ Hợi, đơn vị đã tham mưu cho Công an TPHCM các giải pháp trọng tâm để yêu cầu chính quyền địa phương, công an các quận huyện thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá từ kết quả khảo sát mới đây của PC07, những vi phạm về PCCC vẫn còn khá phổ biến.

Hiện PC07 đang tập trung kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm PCCC ở các chợ, chung cư, cơ sở sản xuất, các cơ sở dịch vụ giải trí (nhà hàng, quán bar), bãi đất trống trong khu dân cư… Việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện nghiêm, có sự tham gia của lực lượng chức năng địa phương.

Nơi nào cố tình để vi phạm tồn tại sẽ cương quyết xử lý, chế tài mạnh; nếu là các cơ sở sản xuất sẽ đình chỉ hoạt động. Kết hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân. Từ nay đến cuối năm 2019, PC07 sẽ chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu làm mới, sinh động các hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả trong phòng cháy.

Tại hội nghị bàn về các giải pháp PCCC ở chung cư mới đây, lãnh đạo các quận huyện: Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân cam kết sẽ thắt chặt hơn công tác quản lý nhà nước về PCCC; không để xảy ra cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng ở mùa khô. Theo đó, ngoài việc kiểm tra, xử lý vi phạm, chính quyền địa phương cũng tăng cường tổ chức các buổi đối thoại, tập huấn, phổ biến kiến thức về PCCC cho chủ doanh nghiệp và người lao động.

Thắt chặt hơn việc cấp phép kinh doanh, trong đó ràng buộc yếu tố PCCC làm điều kiện cấp phép; sẽ không cấp giấy đăng ký kinh doanh nếu hệ thống PCCC không đảm bảo an toàn.

Tin cùng chuyên mục