Già hóa dân số - Những vấn đề cần đặt ra

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.  Năm 2017, số NCT chiếm 11,9% trong tổng dân số. Theo dự báo đến năm 2038 NCT chiếm 20% tổng dân số.

Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới
Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Trên 70% NCT không có tích lũy vật chất

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2030, số người cao tuổi (NCT) trên toàn cầu sẽ tăng lên 56% (từ 901 triệu lên đến 1,4 tỷ người). Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi 15-24.

Cũng theo bà Astrid Bant, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2017, số NCT chiếm 11,9% trong tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi khoảng 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2050, tại Việt Nam, cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu không có chính sách thích ứng phù hợp.

Già hóa dân số - Những vấn đề cần đặt ra ảnh 1 Việt Nam cần có mô hình thích ứng với vần đề già hóa dân số trong những năm tới
 Đời sống NCT tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (22,4% năm 2016). Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Bên cạnh đó, đa phần NCT phải đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Đái tháo đường, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, có một thực tế là khoảng 30% NCT tại Việt Nam không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, đồng nghĩa với việc 70% NCT sẽ phải tự chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, trong khi giá các dịch vụ đang ngày một tăng. Theo khảo sát, 65% NCT tự đánh giá tình trạng sức khỏe của mình yếu và rất yếu. Tuổi thọ trung bình cao (73,4) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi.

Từ năm 2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” tại 29 tỉnh, thành phố. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả vai trò của NCT tại các gia đình và trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, NCT vẫn còn bị phân biệt đối xử, hạn chế trong tiếp cận thông tin, dịch vụ tài chính, cơ hội tập huấn, đào tạo nghề, việc làm. Phần lớn NCT vẫn đang làm việc nhưng chủ yếu là những công việc không được trả công. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng NCT bị lạm dụng, bỏ rơi và bị bạo lực.

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc gia về NCT cho biết: Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Do đó, phải cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc cho NCT và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT trong cuộc sống.

Cần thích ứng với vấn đề già hóa dân số

Theo các chuyên gia, thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.

Vấn đề NCT liên quan chặt chẽ tới 15/17 mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Chính phủ cần ban hành định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp và tăng cường vai trò của các Bộ, ban, ngành đoàn thể, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi của NCT. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh (nếu cần) những chính sách, pháp luật liên quan đến NCT như Luật NCT, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về NCT.

Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo bà Astrid Bant, khi thế giới xây dựng một chương trình phát triển mới truyền cảm hứng và cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững mới thì Việt Nam cần tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của NCT. Bên cạnh đó, NCT có thể là những người tích cực mong muốn tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, chúng ta không được đối xử với NCT như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động. “Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc”, bà Astrid Bant nói.

Đề cập đến việc làm thế nào để già hóa dân số nhanh không cản trở phát triển bền vững mà còn thúc đẩy quá trình này, bà Trần Bích Thủy - Giám đốc Quốc gia Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam cho biết, để làm được điều này, cần hướng tới già hóa tích cực cho Việt Nam. Theo đó, già hóa tích cực là quá trình tối ưu hóa các cơ hội về sức khỏe, sự tham gia, an sinh và học tập suốt đời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cùng với sự tăng lên của tuổi tác.

Theo bà Trần Bích Thủy, mặc dù đa phần NCT có thể tự chăm sóc bản thân nhưng một bộ phận NCT có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe dài hạn. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên phát triển các loại dịch vụ chăm sóc dài hạn để đảm bảo nhu cầu của NCT cũng như giúp họ sống vui, sống khỏe và tiếp tục đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.

Cũng theo bà Trần Bích Thủy, trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều nỗ lực để thay đổi cái nhìn về NCT và tuổi già nhưng các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, các định kiến và thái độ tiêu cực coi NCT như là những người già yếu, không được đụng đến, là gánh nặng hoặc phụ thuộc… đang rất phổ biến. Chính điều này đã dẫn đến việc phân biệt đối xử về tuổi tác. Phân biệt tuổi tác xảy ra ở nhiều bối cảnh như tại nhà, nơi làm việc, bệnh viện, nhà dưỡng lão…

Sự phân biệt tuổi tác khiến NCT thường có cảm giác tiêu cực, thấy bản thân kém hiệu quả, có nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch và dễ bị cô lập, tổn thương về mặt xã hội. Do đó, để già hóa một cách tích cực, điều quan trọng là phải chấm dứt được sự phân biệt tuổi tác; tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, giáo dục giới trẻ để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với NCT. Ngoài ra, cần lưu ý xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo NCT có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, trong gia đình, NCT được coi là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giáo dục con, cháu nếp sống văn hóa lành mạnh, là tấm gương về đạo đức, lối sống để con, cháu noi theo. Còn trong công tác DS-KHHGĐ, NCT đóng vai trò là những tuyên truyền viên tích cực tham gia vào mạng lưới cộng tác viên dân số, y tế thôn bản “đến tận ngõ, gõ tận cửa” vận động người dân thực hiện các chính sách dân số, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, NCT sẽ là cánh tay “đắc lực” trong công tác truyền thông DS-KHHGĐ nếu biết phát huy lợi thế của đội ngũ này.

Tin cùng chuyên mục