Giá đất không sát thị trường thì còn khiếu kiện, mất an ninh và thất thoát nguồn thu

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách “rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách”.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Phát biểu trong phiên giám sát tối cao diễn ra sáng nay 27-5, cơ bản thống nhất với báo cáo giám sát, ghi nhận việc Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, song ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách “rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách”.

Trước đó, Chính phủ có báo cáo gửi đến ĐBQH, nêu nhận định: Chính sách, pháp luật về giá đất trong thời gian vừa qua đã có nhiều đổi mới, từng bước đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với người sử dụng đất, nhà đầu tư, qua đó đã làm tăng nguồn thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước. Bảng giá đất và giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định, quyết định đã phù hợp hơn với giá đất phổ biến trên thị trường so với trước đây, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, việc xác định khung giá đất của Chính phủ và việc xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương thực sự có khó khăn, vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường; đồng thời cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

“Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân - người được Hiến pháp trao cho quyền sở hữu đất đai. Không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai”, ông Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến chính sách tài chính đất đai, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật đất đai và Đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đấu thầu là các quy định cần thiết để bảo đảm minh bạch, công khai, bảo đảm lợi ích của người dân, của nhà nước, nhưng chưa làm rõ các trường hợp đã đấu giá quyền sử dụng đất thì có phải đấu thầu dự án sử dụng đất hay không và ngược lại.
Thực tế thì đấu giá quyền sử dụng đất thường là để thực hiện dự án trên đất trúng đấu giá nhưng giả sử một nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không trúng thầu dự án sử dụng đất đó thì chưa có cơ chế xử lý để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Cơ chế không rõ ràng, bấp bênh như vậy, rất khó kêu gọi đầu tư, khó có ai dám bỏ tiền ra mua quyền sử dụng đất khi thực tế có thể không được xây dựng dự án trên đất đó vì không trúng thầu xây dựng dự án sử dụng đất.

Thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thi, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, ông Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh đề nghị không chỉ xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra đối với công chức, cơ quan nhà nước mà “cần phải xử lý tương xứng đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư”.

ĐB lập luận: "Sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ đầu tư".

“Không thể vỗ tay bằng một bàn tay, sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm, vi phạm của công chức, cơ quan nhà nước thì cũng có trách nhiệm, vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư, vì vậy cũng cần phải xử lý nghiêm”, ông nói.

Điểm danh những dự án sai phạm điển hình  

Một số điển hình về vi phạm đã được đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 chỉ ra trong Báo cáo giám sát vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Chính phủ; 7 bộ, ngành; 12 địa phương (trong đó có những nơi "nóng" nhất về đất đai như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng), nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.
Một số trường hợp điển hình được nêu tại báo cáo là: Dự án 8B Lê Trực, Quận Ba Đình, Hà Nội có phần công trình cao tầng của dự án sai phạm so với giấy phép xây dựng (không xây dựng giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng).
Giá đất không sát thị trường thì còn khiếu kiện, mất an ninh và thất thoát nguồn thu ảnh 1 Tòa nhà 8B Lê Trực
Một số khu vực như: Đầm Bông, Đầm Sòi (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh, tuy nhiên hiện tồn tại các khu dân cư.
Việc giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Tràng Cát tại Quận Hải An, thành phố Hải Phòng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (trên bản đồ quy hoạch sử dụng vẫn là đất nông nghiệp trong khi đó mục đích sử dụng đất của dự án là phi nông nghiệp)...

Nhiều dự án đô thị triển khai chậm tiến độ, một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ khi có điều kiện mới thực hiện hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.

Đó là Dự án xây dựng trường mầm non Vạn Xuân (Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Hà Nội); Dự án Phòng khám Đa khoa và khu chăm sóc sức khỏe người già tại lô đất CC1.III.11.4 thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội); Dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng bán đảo Linh Đàm tại lô CC2 (mảnh A) tại Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Một dạng sai phạm đáng lưu ý khác là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số và thường xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.

Trong đó, có dự án được điều chỉnh tới hơn 5 lần, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư đã làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân như một số dự án của  thành phố Hà Nội.

Có thể kể đến dự án tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng. Nhìn chung, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị như tại thành phố Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%.

Trước đó, thừa ủy quyền Chính phủ gửi báo cáo để phục vụ công tác giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng (phiên giám sát tối cao diễn ra trong ngày 27-5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và hàng loạt đạo luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Xử lý vi phạm hành chính… Và trong lúc chưa sửa được luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường giải thích đề xuất trên nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập và phát sinh trong thực tiễn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; tạo điều kiện để các luật đi vào cuộc sống, thuận lợi cho công tác tổ chức thi hành; phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Kết luận số 36-KL/TW ngày 6-9-2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất cũng là đề xuất từ phía Chính phủ.

Cụ thể, đó là các quy định theo hướng giao đất, cho thuê đất được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; thu hẹp hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để nuôi dưỡng nguồn thu; cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất được tổ chức là hai cơ quan độc lập.

Giá đất không sát thị trường thì còn khiếu kiện, mất an ninh và thất thoát nguồn thu ảnh 2 Một khu đô thị mới được đầu tư dang dở, bỏ hoang nhiều năm nay ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng lưu ý, liên quan đến chính sách thuế là đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế hóa chủ trương, chính sách về thuế sử dụng đất theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi theo hướng đổi mới quy trình lập đề nghị, đánh giá tác động chính sách và quy trình xây dựng luật để phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời, chính xác.

Trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật, cần xác định Luật Đất đai là “luật cơ bản”, đảm bảo tính ổn định; các luật khác có liên quan phải phù hợp với Luật Đất đai, tránh chồng chéo, không thống nhất…

Một kiến nghị rất cụ thể khác là tại kỳ họp thứ 7 lần này, khi ban hành Nghị quyết về giám sát quy hoạch, quản lý sử dụng đất đô thị, Quốc hội cần quy định cơ chế trích nguồn thu từ đất để đầu tư cho công tác quản lý đất đai, chú trọng việc hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai (nhất là cơ sở dữ liệu về quy hoạch và giá đất).

Tin cùng chuyên mục