Gắn chặt tình cảm với con từ những câu chuyện nhỏ

Bộ sách Chúng ta trò chuyện nhé, con của mẹ! mang đến những câu chuyện nhỏ nhắn, sinh động xung quanh cuộc sống thường ngày của trẻ. Trò chuyện với con hằng ngày chính là cách tương tác, gắn chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Mỗi đứa trẻ là một thiên thần. Chúng vô tư, hồn nhiên và đầy tình yêu thương. Trí óc của chúng thì đầy ắp những câu hỏi ngây thơ và vô cùng sáng tạo, đôi khi các bé có những câu hỏi khiến các bậc cha mẹ đau đầu, không biết trả lời sao cho thỏa đáng.

Làm cha mẹ không hề dễ, đặc biệt là trong thời hiện đại, khi mà cha mẹ còn bận bịu với bao công việc xã hội, việc dành thời gian để trò chuyện cùng con thực sự là cả một vấn đề. Tuy nhiên, điều đó lại vô cùng cần thiết. Bởi con trẻ lớn lên không chỉ bởi những chăm sóc vật chất của người thân mà còn lớn lên cùng với những cuộc trò chuyện hằng ngày với cha mẹ. Nhờ những cuộc trao đổi ấy mà chúng hình thành nên thế giới quan và nhân cách trẻ cũng từ đó mà phát triển tròn đầy.

Bộ sách Chúng ta trò chuyện nhé, con của mẹ! của tác giả Bùi Sao. 

Bộ sách Chúng ta trò chuyện nhé, con của mẹ! gồm 3 cuốn theo các chủ đề khác nhau: Cho con làm nũng chút thôi!Mẹ ơi, con bị bắt nạt! và Nhà mình có giàu có không? Với bộ sách này, tác giả Bùi Sao giống như một người mẹ cần mẫn khi đã ghi chép lại một cách tỉ mỉ những câu chuyện diễn ra hằng ngày của trẻ. Đôi khi chỉ là những thắc mắc nho nhỏ như: “Nhà mình có giàu không?”, “Tại sao người ta lại chết?”, “Tại sao lại có ngày sinh nhật?”…

Cũng có khi lại là những nỗi sợ của các bé về một điều gì đó mà cha mẹ cần tinh ý mới phát hiện ra được để có những lời an ủi, động viên nhằm giải tỏa nỗi sợ hãi ấy của con mình. Rồi những khúc mắc giữa bé với bạn bè, khi bé bị phạt mà không hiểu mình bị phạt vì lí do gì…

Những thắc mắc hay những vấn đề tưởng chừng như chẳng có gì đáng để ý ấy lại khiến đứa trẻ lo lắng không yên. Về lâu dài, nếu không được chia sẻ và giải thích kịp thời, bé dễ hình thành những nét tính cách tiêu cực rất khó để khắc phục. Bởi vậy, việc trò chuyện với con hàng ngày, chia sẻ và lắng nghe những ấm ức băn khoăn, thậm chí cả những vấn đề thật là “nghiêm trọng” với con chính là cha mẹ đang giúp bé hóa giải những rắc rối đáng yêu ấy, giúp bé đi vào giấc ngủ êm êm hằng đêm thật bình yên.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhận xét: “Không cần phải “dạy dỗ” gì căng thẳng, mẹ và con trong cuộc đời này đơn giản là đang hạnh phúc sẻ chia và lớn lên cùng nhau. Bài học của mẹ Sao Bùi thấm vào con qua những cuộc trò chuyện nhẹ nhõm, khiến tôi cứ hình dung ra cảnh âu yếm của mẹ con các loài vật: Những bà mẹ hổ, mẹ voi, mẹ khỉ... liếm láp chải lông bắt chấy cho con mà dạy con biết bao bài học rừng già. Sau mỗi tình huống được mô tả trong sách là một phương án giải quyết tình huống. Nhưng cũng chẳng hề có chung một khuôn mẫu nào cho tất cả vì mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng không lặp lại. Chỉ một điểm chung lớn nhất trong thông điệp mà tác giả Sao Bùi gửi tới người đọc, đó là sự nhẫn nại và tình yêu vô bờ của mẹ trong những lời “nhắn nhủ con yêu”.

Trước bộ sách Chúng ta trò chuyện nhé, con của mẹ!, Bùi Sao cũng là tác giả của những bộ picture book mang ý nghĩa giáo dục như: Những người bạn tốtNhững chú mèo ngộ nghĩnhNhím con vui vẻ. Chị cũng là một người mẹ, một người có nhiều tâm huyết với mảng sách thiếu nhi. Viết nên bộ sách Chúng ta trò chuyện nhé, con của mẹ!, chị muốn gửi gắm trong những câu chuyện nhẹ nhàng tình yêu thương giản dị của mình với trẻ con, đặc biệt là đứa con trai bé bỏng của mình.

Tin cùng chuyên mục