Gần 18.000 người lao động bị thiệt hại quyền lợi vì doanh nghiệp giải thể, chủ bỏ trốn

Tính đến tháng 9-2018, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn là 2.270 doanh nghiệp với số nợ bảo hiểm phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.
Người lao động thường thiếu thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm của mình, hoặc do sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình
Người lao động thường thiếu thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm của mình, hoặc do sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình

Chính phủ vừa gửi Báo cáo đến Quốc hội về việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo Báo cáo, thời gian qua, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp có xu hướng giảm hằng năm nhưng tổng số tiền chậm đóng vẫn còn cao gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đến ngày 31-10-2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn (tính đến tháng 9-2018) là 2.270 doanh nghiệp với số nợ bảo hiểm phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đã được Báo cáo nêu rõ, trong đó có nguyên nhân từ công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm chưa được thường xuyên, việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm, trong đó có hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm ở nhiều nơi vẫn chưa nghiêm khắc.

Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước thì người lao động lại thiếu thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm của mình, hoặc do sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng cũng chưa đấu tranh mạnh mẽ với người sử dụng lao động để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động…

Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động, song trên thực tế, do có vướng mắc trong quy trình tố tụng nên việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến nguồn kinh phí đảm bảo quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp nói trên, có 2 phương án được đề xuất. Một là lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội. Hai là lấy từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng cả 3 luật, gồm Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này, nên cả hai phương án trên đều không thực hiện được.

Hơn nữa, nếu áp dụng các giải pháp nêu trên để bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội thì lại không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không khuyến khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm.

Để xử lý những vướng mắc này, Chính phủ cho biết, sẽ tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ bỏ trốn (số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng bảo hiểm của từng người cụ thể); từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan.

Tin cùng chuyên mục