G20: Cơ hội tháo gỡ nhiều vấn đề nóng

Sáng 28-6, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã khai mạc tại Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo 9 tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như Liên hiệp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng các Trưởng đoàn và phu nhân dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng các Trưởng đoàn và phu nhân dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: TTXVN
Kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ 

Tại phiên họp chính thức đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, nhưng tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn…

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Phát biểu tại phiên họp về đổi mới sáng tạo vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp. Kết thúc phiên họp, các đại biểu đã thống nhất khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số và việc cần thiết phải xây dựng những quy tắc chung, đồng thời thông qua Tuyên bố chung Osaka về nền kinh tế số.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tới tiệc chiêu đãi. Ảnh: TTXVN 

Cũng trong ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với Chủ tịch Trung Quốc, tổng thống các nước Mỹ, Chile, các thủ tướng Ấn Độ, Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng Giám đốc WHO để trao đổi về các biện pháp tăng cường và đưa vào chiều sâu quan hệ với các đối tác.

Lãnh đạo các nước đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và mong muốn tăng cường phối hợp với Việt Nam tại tổ chức chính trị - an ninh quan trọng hàng đầu này.

Lãnh đạo các nước cũng bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và mong thúc đẩy quan hệ với ASEAN, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu chúc mừng việc Việt Nam và EU sẽ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30-6, qua đó tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 bên lên tầm cao mới.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã cùng các nhà lãnh đạo tham dự chiêu đãi chính thức của hội nghị do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy…

Tâm điểm cuộc gặp Mỹ - Trung

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tiếp tục các phiên thảo luận quan trọng vào ngày 29-6 về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế, môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu. Ngoài việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao, đây còn là cơ hội để tháo gỡ nhiều nút thắt gây trở ngại trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Cùng ngày, Tổng Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Ngô Giang Hạo, cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đạt được một thỏa thuận 10 điểm nhằm cùng thúc đẩy phát triển bền vững mối quan hệ song phương.

Hai bên nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy thương mại công bằng và tự do trong các cuộc đối thoại và thúc đẩy các cuộc đàm phán thỏa thuận tự do thương mại Trung - Nhật và nỗ lực để hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. 

Trong diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị. Cuộc gặp giữa 2 bên diễn ra trong bối cảnh Washington đang tìm kiếm các cuộc đàm phán mới về kiểm soát vũ khí.

Hiện dư luận đang trông chờ vào cuộc họp bên lề tại G20 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. Trước đó, theo Wall Street Journal, Chủ tịch Tập Cận Bình dự định sẽ nêu ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump các điều kiện để chấm dứt căng thẳng thương mại song phương, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Huawei.

Báo South China Morning Post (SCMP) cũng dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tạm thời đình chiến trong bất đồng thương mại song phương trước thềm cuộc hội đàm giữa lãnh đạo 2 nước này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng Fox News, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow, cho biết Tổng thống Donald Trump có đưa ra quyết định áp một biểu thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc hay không phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị G20 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam, từ thực tiễn phát triển của một quốc gia đang vươn lên và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sẽ chia sẻ với bạn bè quốc tế tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong góp phần xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu nói trên với mong muốn chung tay cùng cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, một thế giới hòa bình, cùng phát triển thịnh vượng và không có ai bị bỏ lại phía sau.

Tin cùng chuyên mục