EU mạnh tay chống nạn buôn người

Bế mạc phiên họp tại Brussels (Bỉ), các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đưa ra một số biện pháp hạn chế việc xuất khẩu cũng như cung cấp các loại thuyền phao và động cơ tàu thuyền cho Libya để ngăn chặn nạn buôn người.
Người di cư trên các con tàu cứu hộ của Italia
Người di cư trên các con tàu cứu hộ của Italia
Tăng cường kiểm soát đường biên giới 

Theo gói biện pháp mới, các nước EU sẽ có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc xuất khẩu và cung cấp những loại hàng hóa trên cho Libya, nếu phát hiện thông tin cho thấy chúng có thể được những kẻ buôn lậu và buôn người sử dụng. EU khẳng định, những biện pháp này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hoặc mua bán hàng hoá hợp pháp phục vụ cho cuộc sống thường nhật của người dân, ví dụ như việc các ngư dân muốn mua động cơ dùng cho tàu thuyền của họ. 

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã thông qua bộ quy tắc ứng xử do Italia soạn thảo, để áp dụng cho tàu thuyền của các tổ chức phi chính phủ đang cứu hộ người di cư ở khu vực Địa Trung Hải ngoài khơi bờ biển Libya. Trong số 11 quy định được nêu trong bộ quy tắc ứng xử, quy định đầu tiên là tuyệt đối cấm các tàu cứu hộ nhân đạo đi vào vùng biển của Libya trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, các tàu cứu hộ được phép đi vào nếu phát hiện tính mạng người di cư đang bị đe dọa. Tàu của các tổ chức phi chính phủ (NGO) không thực hiện các cuộc gọi điện thoại hoặc phát pháo sáng để báo hiệu cho việc khởi hành của những chiếc thuyền chở người di cư. Điều này là nhằm ngăn chặn các cuộc tiếp xúc giữa tàu cứu hộ nhân đạo và bọn buôn người. Cảnh sát cũng được phép lên tàu của các NGO để kiểm tra xem liệu những tàu này có giấy phép thực hiện hoạt động cứu hộ hay không. 

EC cũng đồng ý kéo dài Sứ mệnh hỗ trợ biên giới của EU (EUBAM) tại Libya cho đến ngày 31-12-2018. Chiến dịch này nhằm mục đích giúp giới chức Libya tăng cường khả năng kiểm soát đường biên giới phía Nam nước này, điểm xuất phát của nhiều người di cư vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu. Tuy nhiên, EC quyết định không kéo dài chiến dịch Sophia, một hoạt động của hải quân các nước EU nhằm triệt phá hoạt động buôn bán người thông qua Địa Trung Hải, vốn từ trước đến nay bị đánh giá là kém hiệu quả. 

Ồ ạt đổ về Italia 

Một loạt các biện pháp mới được EU thông qua trong thời điểm Italia đang tiếp tục phải đối mặt với làn sóng người di cư đổ về bờ biển nước này. Từ đầu năm nay, hơn 86.000 người di cư đã cập bờ biển của Italia để tới châu Âu, phần lớn đến từ Libya. Trong đó, đã có hơn 1.569 người thiệt mạng. Trong những tuần gần đây, Italia liên tục kêu gọi các đối tác trong EU hỗ trợ. Italia cũng cảnh báo nếu không được giúp đỡ, họ buộc phải đóng cửa các hải cảng và không cho các tàu cứu hộ quốc tế đưa người nhập cư được giải cứu trên Địa Trung Hải cập cảng nước này. Tuy nhiên, không có nước nào chịu hành động chia sẻ gánh nặng với Italia. Một số nước như Ba Lan, Hungary và Slovakia còn thể hiện quan điểm chống người di cư, phản đối chính sách tái phân bổ người di cư của EU, viện dẫn những lý do về văn hóa và an ninh quốc gia.

Năm 2015, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người di cư, EU đã cam kết tái phân bổ 160.000 người di cư châu Phi và Trung Đông đang ở Italia và Hy Lạp đến các nước thành viên EU khác. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 6 vừa qua, mới có gần 7.000 người di cư ở Italia được tái phân bổ. Trong năm nay, một số chuyên gia dự báo lượng người di cư đến Italia có thể lên tới gần 230.000 người.

Tin cùng chuyên mục