EC đánh giá cao nỗ lực khắc phục IUU của Bình Định

Ngày 31-10, Phái đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu (EC) gồm 22 thành viên (trong đó có 8 nghị sĩ) đã đến kiểm tra, giám sát, làm việc với UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác khắc phục thẻ phạt thủy sản của EC.

 Các thành viên của EC đã đánh giá rất cao những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của tỉnh Bình Định. EC cũng yêu cầu Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chung tay chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU)... 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 6.128 tàu thuyền (trong đó gần 3.000 tàu đánh bắt xa bờ, tổng số lao động trên 44.300 người); sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 là 223.000 tấn… Để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, tỉnh này đã ban hành 13 văn bản, Sở NN-PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm gỡ “thẻ vàng” EC và tiến tới triển khai Luật Thủy sản tháng 1-2019. Cùng với đó, Bình Định đã tiến hành xử phạt mạnh tay đối với nhiều chủ tàu vi phạm. Đồng thời, kiểm điểm 7 chủ tịch UBND xã và 2 lãnh đạo UBND huyện có tàu thuyền vi phạm…

Về phía phái đoàn EC, ông Mato Gabriel, Trưởng phái đoàn, đã đánh giá rất cao những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản của tỉnh Bình Định. “Cá nhân tôi, nhất trí cao với ý kiến của tỉnh Bình Định là để thực hiện hoạt động chống đánh bắt IUU, chúng ta cần sự cam kết mạnh mẽ của các bên, từ cơ quan quản lý tới ngư dân…”, Trưởng phái đoàn EC nói.

Ông Gieseke Jens, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, cho biết: “Cuộc chiến chống đánh bắt IUU có thể sẽ đạt được các thành công lớn cũng có thể không đạt được thành công như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quyết tâm cao thể hiện ý chí chính trị. Tôi thấy được cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tham gia, đã đưa ra những biện pháp, xây dựng và thực thi nó. Cá nhân tôi hứa, khi trở về sẽ tuyên truyền giúp cho Việt Nam trong đảng chính trị của tôi tại Nghị viện châu Âu cũng như trong Ủy ban nghề cá của Nghị viện châu Âu về việc đồng ý sớm dỡ bỏ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Và tôi sẽ tuyên truyền thông tin cho các nghị sĩ khác trong nghị viện châu Âu, để họ có thể ủng hộ việc ký kết và phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam”.

Theo bà Rodust Ulrike (Nghị sĩ của Nghị viện châu Âu), phái đoàn của EC đến Việt Nam lần này là muốn có đánh giá, nhìn nhận về nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Việt Nam. Từ đó, EC sẽ xem xét về hiệp định thương mại tự do đang đàm phán giữa EU và Việt Nam. Trong đó, 2 vấn đề mà EC quan tâm nhất là khai thác gỗ trái phép và khai thác cá trái phép. Từ đó, bà Rodust Ulrike đặt ra một số câu hỏi tại buổi làm việc: Trữ lượng thủy sản tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có suy giảm không? Chúng ta có nhận được các tư vấn, đánh giá về trữ lượng, nguồn lợi thủy sản của các nhà khoa học đối với đơn vị chức năng tỉnh hay không? Việt Nam có gặp vấn đề về cường lực khai thác quá mức? Và có chính sách nào để giảm cường lực này? Ngoài ra, thế giới đang quan tâm về các tàu “xanh dương” ở vùng biển Việt Nam. Những tàu này nhỏ, sơn màu nước biển nên các thiết bị vệ tinh giám sát không thể nhận diện ra. Có phải Việt Nam đang cố ý sơn như vậy để khó nhận diện? 

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thừa nhận: Về nguồn lợi thủy sản, chúng tôi nhìn nhận có giảm đi rất nhiều trong 10 năm trở lại đây. Qua đó, Bình Định không khuyến khích các ngư dân đóng tàu mới. Đối với các tàu giã cào, tàu lưới kéo, ngăn cấm không cho hành nghề nữa. Cùng với đó, tỉnh chủ trương mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản ven bờ. Hàng năm, tiến hành thả cá 3 lần để đảm bảo nguồn lợi thủy sản ven bờ. “Còn về các tàu “xanh dương”, ngư dân chúng tôi thấy màu đó đẹp và truyền thống từ trước đến nay chúng tôi đều lấy màu đó. Cái này không phải là cố ý mà là ngẫu nhiên”, ông Châu lý giải.

Cùng ngày, phái đoàn của EC đã đến kiểm tra, giám sát và làm việc tại cảng cá Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Bình Định, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Hiệp hội Cá ngừ đại dương Bình Định và trao đổi, thăm hỏi một số chủ tàu đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn... Các nghị sĩ, thành viên của EC đều tỏ ra hài lòng trước nỗ lực chống khai thác IUU và khắc phục “thẻ vàng” thủy sản tại Bình Định.

Tin cùng chuyên mục