Duyệt dự án mới phải phù hợp với chương trình phát triển nhà ở

Trong văn bản gửi UBND TPHCM về ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM năm 2019 mới đây, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị UBND TP khi chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương hay điều chỉnh nội dung chấp thuận đầu tư của dự án nhà ở phải phù hợp với nội dung Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định 5086/QĐ-UBND ngày 14-11-2018 và Quyết định 5087/QĐ-UBND ngày 14-11-2018.
Khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3 sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020 Ảnh: Huy Anh
Khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3 sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020 Ảnh: Huy Anh

Gỡ vướng khi đầu tư dự án

Sở Xây dựng TPHCM cũng kiến nghị không yêu cầu các dự án nhà ở phải có trong danh mục các dự án đang triển khai hoặc dự kiến hoàn thành, đã ban hành kèm theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020. Xem xét phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM năm 2019 theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM tại Tờ trình số 16067/TTr-SXD-PTN&TTBĐS ngày 27-12-2018. 

Tại văn bản này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM làm rõ một số vấn đề dễ dẫn đến vướng mắc cho doanh nghiệp khi xin chủ trương đầu tư dự án. Theo Sở Xây dựng, hàng năm, sở này đều rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các dự án phát triển nhà ở vào danh mục của Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020. Đây là các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, được ban hành kèm với kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm. Danh mục dự án nhà ở đang triển khai thực hiện là để tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực tế phát triển các dự án nhà ở của TP, là một trong các cơ sở để xây dựng chỉ tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn TP trong từng giai đoạn 5 năm. Còn với danh mục dự án nhà ở dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 là các dự án khả thi để đánh giá dự kiến khả năng hoàn thành trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) so với chỉ tiêu phát triển nhà ở mà Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 đã đề ra. Sở Xây dựng TPHCM cho biết, danh mục này không phải là cơ sở để xem xét thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án trên địa bàn TP. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM khi xem xét thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án thì không yêu cầu dự án phải có trong danh mục dự án phát triển nhà ở đính kèm chương trình phát triển nhà ở hàng năm. Vì theo Sở Xây dựng, việc này sẽ không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin chủ trương (hoặc điều chỉnh chủ trương), công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư (hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư) để thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Sở Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục cập nhật các dự án phát triển nhà ở để theo dõi và kiến nghị UBND TPHCM không yêu cầu phải bổ sung vào danh mục dự án phát triển nhà ở đã ban hành kèm theo Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020.
 
Phát triển nhà ở có kiểm soát
 
Báo cáo một số nội dung về tình hình phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM, Sở Xây dựng thông tin, trong năm 2019, Sở Xây dựng TPHCM phấn đấu phát triển thêm 8 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố lên 178,25 triệu m² và diện tích nhà ở bình quân đầu người vào cuối năm 2019 lên 19,81m²/người. Theo Sở Xây dựng, Quyết định 5087/2018 của UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu là 40 triệu m² sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TPHCM đến năm 2020 tối thiểu 19,8m2/người, trong đó ở khu vực đô thị (gồm 19 quận) là 16,3m²/người và khu vực nông thôn (5 huyện) là 20,9m2/người. Nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31.228.000m² sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án tăng thêm khoảng 8.772.319m² sàn xây dựng. Nhà ở xã hội tăng thêm 2.204.000m2 sàn xây dựng.

Đối với khu vực trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, quận 3) sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020; không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở. Trường hợp chủ đầu tư các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng để đủ điều kiện khởi công, đảm bảo theo các quy định của pháp luật hiện hành. UBND các quận 1 và 3 theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư dự án đã được công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư, triển khai thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cũng tại khu vực trung tâm TP, ưu tiên lựa chọn và công nhận chủ đầu tư để tháo dỡ trước năm 2020 đối với 4 chung cư cũ đã xuống cấp nặng, nguy hiểm và triển khai xây dựng  chung cư mới.

Đối với khu vực nội thành hiện hữu (gồm 11 quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp; chỉ xem xét, chấp thuận chủ trương để triển khai thực hiện các dự án nhà ở mới khi đã có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp. Về khu vực nội thành phát triển (gồm 6 quận: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức), tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nhà ở mới khi chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng phù hợp và đảm bảo theo quy định. Các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai; ưu tiên phát triển nhà ở tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Tin cùng chuyên mục