Đường về còn xa

“Từ TPHCM về quê chỉ hơn 7 giờ nhưng với em để có được 7 giờ vào những ngày tết còn xa lắm. Đã 3 năm rồi, em không được ở bên ba má và hai em để đón giao thừa, để cùng ăn một bữa cơm đầu năm… Em nhớ lắm nhưng vẫn quyết định ở lại thành phố để làm thêm dịp tết”, cô sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm TPHCM Phan Thị Mộng Kha rơm rớm nước mắt khi chia sẻ về 3 mùa xuân xa nhà trước đó của mình. Lựa chọn của Mộng Kha cũng là chọn lựa trong đắn đo của không ít bạn trẻ mỗi mùa tết đến.
Đường về còn xa

“Từ TPHCM về quê chỉ hơn 7 giờ nhưng với em để có được 7 giờ vào những ngày tết còn xa lắm. Đã 3 năm rồi, em không được ở bên ba má và hai em để đón giao thừa, để cùng ăn một bữa cơm đầu năm… Em nhớ lắm nhưng vẫn quyết định ở lại thành phố để làm thêm dịp tết”, cô sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm TPHCM Phan Thị Mộng Kha rơm rớm nước mắt khi chia sẻ về 3 mùa xuân xa nhà trước đó của mình. Lựa chọn của Mộng Kha cũng là chọn lựa trong đắn đo của không ít bạn trẻ mỗi mùa tết đến.

Tết xa nhà

Quê Kha ở ấp Phương An 1, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình thuộc diện khó khăn, Kha còn có hai em đang đi học và chi phí học tập, sinh hoạt của Kha ở TPHCM cũng là gánh nặng quá lớn với gia đình. Quyết định ở lại thành phố, Kha tất tả đi tìm việc làm. Năm đầu, Kha phụ bán cà phê ở quận 5. Mấy tết sau, Kha bán vé ở Khu du lịch Suối Tiên. Kha cho biết: “Năm nay, em nhận việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, bình thường nhận 115.000

đồng/buổi, còn ngày tết nhận được 125.000 đồng. Sau 5 giờ chiều trở đi, nếu tăng ca thì mỗi giờ có thêm 45.000 đồng”. Thanh Lâm, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (quê Phú Yên) cũng đã 4 năm ở lại thành phố dịp tết. Ngày bạn bè dọn dẹp hành lý về quê là ngày Lâm tức tốc kiếm việc làm. Lâm cho hay: “Em đi phục vụ quán ăn, nhà hàng, các địa điểm vui chơi… Chịu khó làm cũng có thêm khoản tiền để học kỳ 2 trang trải mà không cần xin ba mẹ”.

Trong buổi gặp mặt, trao quà sinh viên đón tết xa nhà do Nhà văn hóa Sinh viên tổ chức vừa qua, Dương Văn Thành - sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM không giấu được xúc động. Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị), Thành không may mắn khi cơ thể khiếm khuyết so với các bạn bè cùng trang lứa. Không đầu hàng số phận, Thành vượt qua nhiều trở ngại, những rào cản của bản thân để đến trường và vô cùng vui mừng khi đậu đại học. Thành chia sẻ: “Hồi mới vào thành phố học, em không biết gì cả. TPHCM với em rộng lớn quá. Việc ăn ở, đi lại càng khó khăn hơn. Mẹ phải vào đây chăm sóc em. Cũng may bạn bè ở trường thương và hay cõng em đến lớp”.

Gia đình khó khăn nên phải mất 2 tháng sau khi con trai nhập học, mẹ Thành mới kiếm được việc phụ bếp tại một quán cơm bình dân tại làng đại học. Thành ở ký túc xá (KTX), mẹ phụ bán cơm ở quán xong là mang cơm cho Thành. “Tết này không có tiền về quê, em với mẹ phải ở lại đây. Năm ngoái, em có đăng ký được vé hỗ trợ cho sinh viên về quê ăn tết nhưng năm nay em bệnh nên không đăng ký được. Em chưa từng trải qua cảm giác đón tết xa quê nên chưa hình dung được sẽ như thế nào…”, Thành trải lòng.

Sinh viên không có điều kiện về quê, đón nhận quà tết

Nơi mùa xuân ở lại

Tết đến gần, trường học đóng cửa; sinh viên nội trú KTX về gần hết, không còn tiếng cười đùa, thay vào đó là nỗi buồn trong lòng người ở lại. Giữa căn phòng nhỏ của KTX ĐH Nông Lâm, Thanh Lâm trở về sau ngày làm việc mệt mỏi. Bố mất sớm, chỉ có mình mẹ nuôi 6 chị em Lâm nên gánh nặng dường như đè hết trên đôi vai mẹ. “Những ngày tết như thế, em chỉ biết thui thủi một mình. Dù đã nhiều năm ở lại thành phố nhưng cảm giác nhớ nhà và tủi thân vẫn ùa về như lần đầu tiên. Mấy năm trước, làm việc xong, em gọi điện thoại cho mẹ và nhắn tin với mấy đứa bạn. Những tin nhắn phương xa, giọng nói ấm áp qua điện thoại là niềm an ủi của em ngày đó. Có mấy lần, em chỉ nói vài câu rồi tắt máy. Bởi, em sợ mình sẽ khóc qua điện thoại và mẹ buồn... Năm đầu ở lại, em hay nằm mơ thấy mình xách ba lô ra bến xe về quê. Tỉnh dậy, chỉ thấy một mình giữa căn phòng lạnh lẽo…”, Lâm tâm sự.

Lâm đã không có cái têt đúng nghĩa sum vầy suốt 4 năm. Và có lẽ đêm giao thừa của Lâm sẽ còn buồn hơn nữa nếu như không có mấy cô chú trong KTX ĐH Nông Lâm. Lâm nhớ lại: “Em vẫn nhớ năm đầu tiên ở đây. Đêm giao thừa tưởng sẽ buồn nhưng may mắn, mấy cô chú quản lý KTX đã tổ chức đón giao thừa cho sinh viên xa nhà. Cầm trên tay bao lì xì các cô chú trao cho, lần đầu tiên ở TPHCM, em rơi nước mắt như một đứa trẻ…”.

Niềm vui của Lâm là vậy, niềm vui của Mộng Kha càng đơn giản hơn. “Năm thứ hai ở lại, sau khi đi làm thêm về, em ghé ngang tiệm tạp hóa và tự mua cho mình những bong bóng nhỏ mà hồi bé rất thích. Em thổi hết chúng lên và đợi tới giao thừa, khi ngoài kia pháo bông bắn lên trời thì em cũng làm cho những quả bóng đó nổ tung… nghe rất vui tai. Những ngày sau đó, đi làm về em thường hay nói chuyện, chia sẻ với mấy cô chú hàng xóm, cùng xa quê nên rất dễ đồng cảm. Chú chủ nhà của dãy trọ còn ghé thăm và tặng quà cho nữa. Vì vậy mà có những ngày tết xa quê rất ấm áp”, Kha kể.

Đồng cảm và san sẻ những khó khăn của các sinh viên không có điều kiện về quê đón tết, vừa qua, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 10, TPHCM), Nhà Văn hóa Sinh viên, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Hàng Việt và KTX Đại học Quốc gia TPHCM cùng các đơn vị đồng hành đã trao tặng 300 phần quà (trị giá hơn 1,3 triệu đồng/phần) cho 300 sinh viên. Vào ngày 29-1 tới, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM cũng tổ chức chương trình “Họp mặt sinh viên đón tết xa nhà” tại Nhà Văn hóa Thanh niên, trao tặng 1.500 phần quà cho sinh viên bao gồm quà tết và bao lì xì (tổng trị giá 500.000 đồng/phần). Đó là những phần quà dù nhỏ nhưng đem lại chút ấm áp cho những sinh viên ăn tết xa quê.

VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục