Dùng thực phẩm không an toàn: Mỗi năm hơn 200 ngàn người mắc ung thư

Theo thông tin do Đoàn giám sát của Quốc hội về an toàn thực phẩm (ATTP) cung cấp tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng nay 5-6, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành

Cụ thể, từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ NĐTP với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có 168 vụ với trên 5.000 người mắc và gần 30 người chết.

Còn theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình 668.673 ca bệnh/năm và 21 người chết/năm, trong đó chủ yếu là tiêu chảy cấp tính. Ước lượng tỷ lệ mới mắc tiêu chảy cấp do thực phẩm trong 1 năm là 25,87% dân số. Hiện tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa vẫn được ghi nhận và diễn biến phức tạp.

Còn đối với bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Trong khi đó, cả nước hiện có tới 10 địa phương không có phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm ATTP là: Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Nam, Ninh Bình, Bình Phước, An Giang, Bến Tre và Bình Dương. Ngay tại các địa phương đã có thì hoạt động của các phòng kiểm nghiệm vẫn bộc lộ một số bất cập, quy định về việc thu phí kiểm nghiệm mẫu còn bất hợp lý; kinh phí cấp cho việc lấy mẫu, điều tra khảo sát còn thấp nên việc lấy mẫu phục vụ kiểm soát nguy cơ gây mất ATTP còn ít, chưa đủ tính đại diện, chưa sát với thực trạng.

Đáng lưu ý, riêng kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011- 2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%.

Về giết mổ động vật, sản phẩm động vật, tính đến năm 2016, số cơ sở nhỏ lẻ không giảm mà còn tăng thêm 285 cơ sở. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo.

Mặc dù cả nước đã có 56/63 (84,13%) tỉnh/thành phố đã phê duyệt Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhưng việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn có sự khác biệt lớn giữa các địa phương. Cụ thể, các tỉnh, thành phố phía Nam như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… cơ bản thực hiện tốt, tỷ lệ giết mổ tập trung chiếm 50%-100% nhưng các tỉnh phía Bắc số cơ sở giết mổ tập trung chiếm tỷ lệ rất thấp, ngay tại Hà Nội, tỷ lệ này cũng chỉ đạt trên 20%.

Mặc dù Luật ATTP (năm 2010) đã quy định nguyên tắc “quản lý ATTP được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP”, song số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra, áp dụng quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng còn chiếm tỷ trọng thấp. Cụ thể, trong chăn nuôi mới có 11.230 hộ chăn nuôi áp dụng quy trình Viet GAP); trong sản xuất rau mới có 12,7 ngàn ha rau an toàn trên tổng số 823 ngàn ha diện tích trồng rau cả nước (chiếm tỷ lệ 1,5%); trong nuôi trồng thủy sản mới có 1.553ha/1.278 triệu ha diện tích nuôi thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP).

Tin cùng chuyên mục