Đừng rước họa bởi những lời đồn thổi về búp bê Thái

Loại búp bê du nhập từ Thái Lan với tên gọi Kuman Thong với bao lời đồn về quyền năng như một thứ bùa ngải giúp ăn nên làm ra, giúp may mắn trúng số… khiến không ít các bạn trẻ đã mua và chăm, nuôi, thờ phụng. Có thật các con búp bê này đem lại may mắn và phúc lộc như lời đồn? 

PV Báo SGGP đã trao đổi với Giáo sư - Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh - chuyên gia trong lĩnh vực này.

* Phóng viên: Đã hoành hành làm mưa làm gió ở Thái Lan từ khá lâu nhưng gần đây loại búp bê này mới xâm nhập vào Việt Nam phải không thưa ông?

 * Ông LƯƠNG NGỌC HUỲNH: Ở Việt Nam, 7 năm trở lại đây phát triển rất mạnh loại hình được cho là tín ngưỡng, bùa ngải của Thái Lan. Đầu tiên là xăm hình, xăm chữ ở vai, ở lưng, rồi thờ Kuman Thong với những lời đồn thổi ra ngoài rằng sau khi làm việc ấy họ giàu lên rất nhanh. Do nắm bắt được tâm lý của người Việt là thích giàu nhanh nên họ thổi phồng sự việc theo hướng ấy khiến nhiều người làm theo chứ thực chất không phải là tín ngưỡng gì ghê gớm.

* Có thông tin rằng, để búp bê linh hơn phải sử dụng tới hài nhi hoặc một bộ phận cơ thể người đã mất… để yểm?

 * Việc lấy xác hài nhi, hoặc những bộ phận của cơ thể để yểm, trước hết khẳng định là vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức của Việt Nam. Đúng rằng tâm lý của con người thích cái gì kỳ quái, tò mò thì dễ thổi tính thiêng. Nhưng pháp thuật hay nói rõ hơn là chính pháp thì không bao giờ như vậy. Việc sử dụng các bộ phận cơ thể người để luyện hay làm bùa chú, bùa yểm chỉ có tà pháp.

* Vừa qua có trường hợp một thanh niên tự tử và được cho là bị ảnh hưởng bởi việc nuôi loại búp bê này, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực là có thật?

 * Bản thân tôi cũng gặp và chữa cho nhiều trường hợp được cho là bị Kuman Thong hành. Họ kể rằng nếu không cúng nhiều, nếu không chiều thì sẽ lâm vào tình trạng ốm đau, có những cử chỉ bất thường, khủng hoảng, suy sụp… Đi khám cũng không thể phát hiện ra rõ ràng căn nguyên bệnh gì và khi đó phải dùng đến phép của đạo giáo.

* Biểu hiện của những người được cho là bị búp bê hành là như thế nào thưa ông?

 * Phần lớn họ đều có dấu hiệu nặng đầu, đi khám không có biểu hiện gì lâm sàng, buồn ngủ, ngáp, nhiều người thu mình không giao tiếp, đêm nằm mơ, hoảng loạn. Việc này ảnh hưởng rất nặng nề tới cuộc sống, sinh hoạt, công việc… Mặt tích cực thì chưa thấy nhưng có nhiều cặp vợ chồng đã mâu thuẫn, chửi, đánh và thậm chí bỏ nhau vì nuôi Kuman Thong.Có nhiều người bảo rằng bệnh là vì chưa thờ cúng, chăm nom cẩn thận nên Kuman Thong phá nhưng chưa khẳng định được điều này mà phần lớn các bệnh gây ra đều do yếu tố tâm lý của con người. Những người mắc bệnh trên phần lớn đều có tâm lý nhạy cảm, yếu ớt nên mới dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh. Còn đối với người vững vàng thì chẳng điều gì có thể xảy ra, không nên quá lo lắng.

* Như vậy có thể hiểu rằng Kuman Thong cũng giống như mọi con búp bê đơn thuần khác không thưa ông?

  Đây là búp bê đơn thuần, bình thường. Pháp sư cầu nguyện hay lời nguyền, phép thuật thì chỉ có một vài trạng thái hấp thu năng lượng và trong một thời điểm nào đó nó có thể tác động năng lượng đó đối với người sử dụng. Nó không phải có quyền năng siêu nhiên là thu tài, tích lộc hay bảo vệ người này hại người kia như quảng cáo.

* Theo ông, trào lưu nuôi, thờ Kuman Thong có phải là hiện tượng biến tướng?

  Ở Thái Lan, việc sử dụng hài nhi làm bùa thực sự là biến tướng. Thêm nữa, nếu những người xuất thân từ đạo Phật mà làm điều này thì rõ ràng không đúng vì giáo lý nhà Phật không chấp nhận việc này. Khi sang tới Việt Nam, do mục đích trục lợi, quyền năng của các loại búp bê này cũng bị thổi phồng với nhiều màu sắc mê tín. Đó cũng là biến tướng.

* Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn được trào lưu này?

 * Việc đầu tiên theo tôi là cần tích cực truyền thông. Các cơ quan chức năng cần tăng cường chọn những người nghiên cứu giỏi, có uy tín để cung cấp cho người đọc nhiều thông tin.  Các cơ quan chức năng như Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT… cần lên kế hoạch, cùng vào cuộc để người dân hiểu rõ ràng về dạng mê tín này, tránh để hiện tượng người khen, người chê tạo ra tâm lý tò mò.

Tín ngưỡng thì chủ chương là không có ngăn cấm, nhưng với tín ngưỡng không đem lại lợi ích mà còn gây ra điều xấu, ảnh hưởng tiêu cực thì phải lên án, có biện pháp ngăn ngừa.

Tin cùng chuyên mục