Đừng mạo danh xã hội hóa giáo dục

Gần như đầu năm học mới nào cũng ồn ào câu chuyện về lạm thu, nhất là từ khi giáo dục ngày càng nở rộ vấn đề “xã hội hóa giáo dục”. Những khoản thu không hợp lý đã khiến cho gánh nặng của học sinh nghèo trở lên nặng nề hơn. 
Đầu năm học mới 2017-2018 này, câu chuyện Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) Nguyễn Hữu Đạt bị đình chỉ công tác 15 ngày để kiểm điểm việc lạm thu gây chú ý của dư luận hơn cả.
Ông Đạt bị cáo buộc chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các khối họp phụ huynh thông báo và thu các khoản đóng góp đầu năm học với số tiền lên tới hơn 9 triệu đồng một học sinh không đúng quy định. Các khoản này hoàn toàn chưa được nhà trường trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Với học sinh ở nông thôn, khoản thu cả chục triệu đồng như vậy thật khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn có tới 20 khoản thu và một trong đó là tiền học thêm hơn 3 triệu đồng. Ngoài tiền học thêm còn tiền học nhóm 1,6 triệu đồng. Bên cạnh đó là hàng loạt khoản như quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, lao công bảo vệ, gửi xe, rồi quỹ khuyến học lên tới 300.000 đồng, quỹ lớp 500.000 đồng, quỹ đội...
Càng đáng nói hơn là vụ việc chỉ được phát hiện khi tờ thông báo thu tiền này xuất hiện trên mạng xã hội.
Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt lúc đầu phủ nhận đó không phải là thông báo thu tiền của trường, do nhà trường chưa họp phụ huynh, chưa đưa ra các khoản thu.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, ông Đạt thừa nhận phần lớn khoản thu trong tờ thông báo nói trên trùng khớp với khoản thu do nhà trường đề ra.
Đã lạm thu còn thiếu trung thực, đó là lý do mà dư luận vô cùng bức xúc với vị hiệu trưởng này.
Chuyện lạm thu là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà các vị phụ huynh phàn nàn đầu năm học hàng năm. Rất nhiều khoản thu trời ơi đất hỡi mà phụ huynh không thể chấp nhận. Có phụ huynh nêu một nơi mỗi học sinh phải đóng 90.000 đồng/năm học phí mua nước rửa nhà vệ sinh. Theo tính toán của phụ huynh, toàn trường ước khoảng 1.500 học sinh x 90.000 đồng = 135 triệu đồng, chia cho 9 tháng học là 15 triệu đồng/tháng. Vậy trường mua nước gì mà phải dùng đến 15 triệu đồng mỗi tháng để rửa nhà vệ sinh?
Hiện nay, trong số các khoản lạm thu, gây bức xúc nhất là các khoản thu học thêm. Nhiều nơi, giáo viên soạn và in sẵn cho học sinh đơn xin học thêm, trong đó nêu rõ cam kết tự nguyện xin học, tự nguyện đóng các khoản phí. Thực chất, đó là cách nhà trường và giáo viên lách lệnh cấm dạy thêm, bởi tuyệt đại đa số phụ huynh đều đăng ký cho con học thêm vì… sợ! Sợ con bị thiệt thòi kiến thức, sợ bị giáo viên trù dập nếu không học thêm. Khoản tiền “sổ liên lạc điện tử” mà hiện nay nhiều trường thu cũng khiến phụ huynh bức xúc, trường công thì từ 120.000-180.000 đồng/học sinh/kỳ, trường tư lên đến 500.000 đồng. Tiền quỹ lớp, quỹ trường... cũng mỗi trường thu một kiểu, ít thì mấy trăm ngàn đồng mỗi kỳ, nhiều thì lên tới cả triệu đồng mỗi kỳ. Hay như tiền học tiếng Anh tăng cường cũng đang mạnh ai nấy thu ở nhiều nơi, không ai kiểm soát nổi đồng tiền mà phụ huynh phải nộp có tương đương chất lượng con em họ thụ hưởng.
Trước năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các địa phương cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Theo đó, các tỉnh thành cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng công bố kế hoạch thanh tra năm học với nội dung tập trung thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mà Chính phủ vừa ban hành cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT không để xảy ra tình trạng lạm thu, học sinh không được đến trường vì thiếu học phí…
Nhưng dường như, mọi động thái chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT về vấn đề lạm thu vẫn chưa “thấm” tới các địa phương, tới các cơ sở giáo dục, thế nên gần như năm học mới nào xã hội cũng đau đầu vì các khoản thu trong nhà trường.
Lạm thu, xét cho cùng liên quan rất mật thiết tới thương mại giáo dục. Nếu các dịch vụ giáo dục được tính đúng, tính đủ thì sẽ không thể dẫn tới lạm thu. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn mà kỳ vọng của người dân về nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng lớn thì việc xã hội hóa giáo dục là điều đương nhiên. Người dân sẵn lòng chi thêm để cùng Nhà nước tăng thêm nguồn lực cho giáo dục, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, điều mà xã hội, phụ huynh yêu cầu là các khoản thu phải công khai, minh bạch, và dĩ nhiên là phải hợp lý. Đặc biệt, các khoản được “vẽ” ra rất nhiều như học thêm, học nhóm, học kỹ năng sống… phải được kiểm soát chặt chẽ, có ý kiến của phụ huynh, không thể là mệnh lệnh từ phía nhà trường cũng như ban phụ huynh.
Như trường hợp ở Trường THCS Minh Tân, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, dễ hiểu vì sao người dân bức xúc đến vậy khi học phí chỉ 540.000 đồng nhưng tiền học thêm các loại lên tới gần 4 triệu đồng. 
Trường học là nơi để học sinh học tập, không phải để kinh doanh. Đừng để các cháu nhỏ, gia đình nghèo phải thêm gánh nặng vì một vài lợi ích của một nhóm nào đó. Những khoản tiền điện, nước, giấy vệ sinh, xà phòng, sổ liên lạc… nếu phải thu thì phải thu đủ, chứ không thể là thu thừa như một hình thức kinh doanh trong nhà trường.
Nhưng để khắc phục được lạm thu, trong khi chờ sự trung thực, tự giác của nhà trường, thì cần thiết phải có “gậy pháp lý” đủ mạnh để xử lý nghiêm các sai phạm. Các địa phương cần có chế tài mạnh để xử nghiêm hiệu trưởng nếu lạm thu. 

Tin cùng chuyên mục