Dùng giáo dục “đào gốc” rượu bia

Ngày càng có nhiều người xem rượu bia như bạn nhằm trốn tránh trạng thái tâm lý mất cân bằng. Chính vì thế, muốn chấm dứt thực trạng thì xã hội cần giải quyết ổn thỏa “gốc, rễ” vấn đề - đó là phương pháp giáo dục.
Dùng giáo dục “đào gốc” rượu bia

Ngày càng có nhiều người xem rượu bia như bạn nhằm trốn tránh trạng thái tâm lý mất cân bằng. Chính vì thế, muốn chấm dứt thực trạng thì xã hội cần giải quyết ổn thỏa “gốc, rễ” vấn đề - đó là phương pháp giáo dục.

Khi tâm lý mất cân bằng

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều thức uống có hại (cả sức khỏe lẫn tài chính); điển hình là rượu bia. Đáng lo ngại khi tình hình này có xu hướng tịnh tiến, trong khi cuộc sống ngày một tốt hơn.

Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết công việc đều được giải quyết trên bàn nhậu. Những người từng trải hay làm ăn đều phát hiện nếu muốn mọi việc suôn sẻ thì phải mời đối tác ra quán nhậu.

Tuy không ràng buộc nhưng đây gần như trở thành “tiêu chuẩn cứng” đối với không ít người. Tất cả mối quan hệ, từ đối tác, thậm chí người thân, bạn bè dường như nhạt nhòa nếu không có những buổi họp mặt với vài chai rượu, thùng bia. Ngay cả những hội, nhóm (hội âm nhạc, thể thao…) cũng lấy rượu bia ra cá độ, tạo cảm hứng.

Không chỉ vậy, ở nước ta, lao động có trình độ đang dần đánh mất nhiệt huyết trong công việc, cuộc sống. Họ xem rượu bia là “phao cứu sinh” tinh thần và không để ý nhiều đến hậu quả về sức khỏe, kinh tế. Ngày xưa, nhiều người mời đối tác, đồng nghiệp về nhà; bây giờ, họ mời nhau ra quán, đi “tăng hai, tăng ba”. Độ tuổi uống rượu bia ngày càng trẻ (17 - 18 tuổi trở đi); tập trung vào lứa 35 - 45 tuổi (giai đoạn thành công, làm ra tiền).

Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết công việc đều được giải quyết trên bàn nhậu. Ảnh minh họa

Xét khía cạnh tâm lý, thực trạng sử dụng rượu bia lý giải việc mất cân bằng tâm lý. Người ta tìm đến rượu bia vì cảm thấy cuộc sống hụt hẫng, xa hơn là cần một trạng thái tâm lý khác trạng thái đang trải qua.

Nhiều người thất bại trong tình cảm, công việc cũng tìm đến rượu bia như một cách trốn tránh hữu hiệu. Ví dụ, thợ hồ thích nhậu vì cuộc sống của họ đơn điệu, vô vị. Hết giờ làm, họ ít có sân chơi bổ ích. Vì vậy, thay vì về nhà xem ti vi và ngủ sớm, họ ra quán nhậu trút bỏ ức chế, giải tỏa căng thẳng. Bình thường, những thợ hồ toàn nghe la mắng, chỉ đạo; còn đi nhậu sẽ có người khen, tâng bốc hoặc động viên. Trạng thái sinh học do chất kích thích trong rượu bia cộng với cảm giác được coi trọng tạo nên hứng thú về mặt tâm lý.

Hết giờ làm ra quán nhậu trở thành phản xạ có điều kiện đối với lao động chân tay, trình độ, kể cả doanh nhân, lãnh đạo. Nhậu trở thành phương pháp giải tỏa áp lực, tạo cảm giác thư thái, thoải mái. Do vậy, những người không giữ tinh thần tỉnh táo, không có động cơ tích cực rất dễ sa đà.

Rất nhiều dân tộc, quốc gia có nhu cầu cao về rượu bia. Điển hình là các nước châu Âu. Người Pháp hay người Nga đều uống rượu, bia nhiều hơn người Việt. Tuy nhiên, họ khác chúng ta ở chỗ họ có động cơ, hứng thú khi làm việc. Vì vậy, họ ít sa đà, lợi dụng rượu bia. Chưa kể, pháp luật ở nhiều nước kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn bán, tiêu thụ rượu bia thông qua các quy định về thuế, nhập khẩu hay thời gian sử dụng, kinh doanh… Đơn cử, do bị đánh thuế, phí cao nên rượu bia ở châu Âu là mặt hàng xa xỉ đối với người có thu nhập tầm trung trở xuống. Nghiêm khắc hơn, nhà nước Thái Lan chỉ cho phép bán bia sau 17 giờ hàng ngày.

Ở nước ta, cả hai giải pháp trên đều “khuyết”.

Thay đổi cách giáo dục

Dù vậy, các phương pháp quản lý chỉ có thể giải bài toán trước mắt. Về lâu dài, chúng ta cần nhìn lại cách thức giáo dục đang áp dụng.

Khác với nhiều nước phát triển, người Việt Nam luôn coi trọng phương pháp giáo dục theo cảm xúc, sự kiện và vô tình xem đó là mô hình giáo dục trong gia đình, nhà trường. Ở trường, thầy cô ép học sinh học ngày học đêm vì thành tích. Về nhà, bố mẹ ép con cái làm theo ý mình. Một ông bố nghiện rượu, không khống chế nổi cảm xúc bản thân thì tuyệt đối không thể đưa ra quyết định hay lời khuyên xác đáng cho con.

Bức tranh đứa trẻ khủng hoảng, lo âu, thậm chí sống lệch lạc khi người thân nghiện rượu dường như xuất hiện ngày một nhiều, hiện hữu trong không ít gia đình Việt. Nói cách khác, ở trường và gia đình, người lớn đã chiếm mất cảm xúc, suy nghĩ của trẻ con.

Đi theo vết xe đổ, đứa trẻ lớn lên lại mất cảm xúc. Đây là quy luật bù trừ cảm xúc, đang có chiều hướng tăng theo cấp số nhân ở nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý gọi tình trạng trên là “ổ bệnh đa thế hệ”.

Tóm lại, giáo dục chính là nguồn cơn của trạng thái tâm lý mất cân bằng như phân tích trên. Muốn chấm dứt thực trạng thì phải giải quyết ổn thỏa “gốc rễ” vấn đề - phương pháp giáo dục.

Hiện nay, nhiều gia đình mạnh dạn áp dụng cách giáo dục tiên tiến: người lớn cư xử bình đẳng; sẵn sàng đối thoại, lắng nghe, tranh luận, tôn trọng ý kiến của đứa trẻ. Những người đi trước nên định hướng đúng đắn, đưa ra lời khuyên hữu ích chứ không nhất thiết can thiệp vào cách nghĩ, cách làm của người đi sau. Cách làm này đã áp dụng tại nhiều quốc gia và có hiệu quả trông thấy.

Tiến sĩ NGÔ XUÂN ĐIỆP
(Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học KHXH-NV TPHCM)

Tin cùng chuyên mục