Đừng đùa với thủy điện - Bài 3: Biến gió thành điện, tại sao không?

Bên cạnh nguồn năng lượng từ mặt trời thì năng lượng gió cũng được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện trong cả ngắn hạn và dài hạn. 
Với lợi thế đường bờ biển trải dài, cùng địa hình thuận lợi, việc xây dựng các trạm điện bằng sức gió là giải pháp có thể giúp nâng cao sản lượng điện trong những năm tới.
Bỏ của chạy lấy người!
Sau một thời gian phát triển thủy điện ồ ạt theo trào lưu, chỗ nào có tiềm năng làm thủy điện đều được khảo sát, đưa vào quy hoạch. Một số nhà đầu tư không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu cũng tranh thủ “xí phần” dẫn đến “loạn” thủy điện.
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực hiện, các nhà quản lý đã nhận rõ hơn những tác động tiêu cực nhiều mặt từ thủy điện. Các nhà đầu tư từng chạy theo phong trào cũng nhận ra, đầu tư thủy điện không đơn giản và chẳng dễ ăn chút nào, nên “bỏ của chạy lấy người”, dẫn đến tình trạng dự án treo, triển khai cầm chừng hoặc thay đổi chủ đầu tư, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và đời sống người dân vùng dự án. 
Đừng đùa với thủy điện - Bài 3: Biến gió thành điện, tại sao không? ảnh 1 Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại Quảng Trị chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia từ ngày 19-5-2017.
Bà Lâm Thị Sửu, nguyên Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng, nếu tính toán một cách cụ thể thì thủy điện không hề rẻ bởi nhiều chi phí môi trường và xã hội liên quan đến các dự án thủy điện đã không được ước tính, đầu tư đầy đủ. Người dân di dời nhường đất cho thủy điện gặp nhiều khó khăn về sinh kế, văn hóa ở nơi mới, đặc biệt là đất đai không đáp ứng được nhu cầu sản xuất lương thực tối thiểu.
Ngoài ra, việc quản trị các công trình thủy điện từ khâu quy hoạch đến vận hành công trình còn nhiều bất cập. Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được xây dựng, nhưng không chính xác với thực tế mà chỉ mang tính thủ tục, đối phó.
Các cam kết bảo vệ môi trường hầu như không được thực hiện. “Điều này dẫn đến việc cộng đồng dân cư ở khu vực sông có thủy điện, gồm cả người dân sống ở hạ du phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thế nhưng, tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong quá trình quy hoạch, phê duyệt và thực hiện các dự án thủy điện”, bà Lâm Thị Sửu đánh giá. 
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, thủy điện đang chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu, nhưng chưa có nghiên cứu nào đề cập sâu rộng đến các tác động và các giải pháp thích ứng trong lĩnh vực này.
Thực tế tình hình thủy văn tại Thừa Thiên - Huế trong những năm vừa qua cho thấy, biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa biến đổi cực đoan không nhất quán, có nơi tăng, nơi giảm. Chẳng hạn trong đợt lũ lụt lịch sử 1999, lượng mưa trong vòng 24 giờ đạt 1.800mm, trong khi chưa đầy 3 giờ vào chiều 21-9-2016, lượng mưa đo được đã vượt 300mm, điều này tất yếu sẽ khó khăn trong việc điều tiết xả lũ tại các hồ thủy điện.
Cùng với đó, hệ thống quan trắc thu thập thông tin về lượng mưa, mức nước sông, mức nước đập chứa và tình hình ngập, thiết bị quản lý đập tại văn phòng quản lý các hồ đập còn thiếu, chưa thể đáp ứng tình hình thực tế cũng như thu thập thông tin để xây dựng hệ thống thông tin phòng chống lụt bão tổng hợp và công tác vận hành liên hồ chứa…
Điện gió còn đó những rào cản
Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) do Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (CTCP THC) làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn thành thời gian chạy thử và chính thức đóng điện vào trạm 110kV, hòa vào lưới điện quốc gia từ ngày 19-5-2017. Nhà máy này gồm 15 turbine, với tổng công suất lắp đặt là 30MW, cho sản lượng điện trung bình là 122,34 triệu KWh/năm.
Đây là dự án điện gió đầu tiên tại Quảng Trị khai thác nguồn tài nguyên gió bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới để biến thành nguồn năng lượng điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính cho biết, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 hòa vào điện lưới quốc gia sớm hơn kế hoạch 1 năm không chỉ cung cấp nguồn điện sạch cho quốc gia mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương.
Hiện CTCP THC đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án điện gió Hướng Linh 1, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, công suất 30 MW, dự kiến sẽ hòa lưới điện quốc gia vào quý 4-2017. Ngoài ra, hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã được Công ty mua điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ký kết từ cuối tháng 2-2017.
Vùng đất Hướng Hóa lâu nay được ví như là một “cửa gió” hay “họng gió chướng”. Gió trời rát bỏng được xem là “đặc sản” quanh năm gieo rắc khốn khó cho bao thế hệ người dân nơi đây.
Thế nhưng từ sau khi “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến 2020 - tầm nhìn đến 2030” được Bộ Công thương phê duyệt, chính quyền và người dân nơi đây đã có cơ sở hy vọng về thứ “đặc sản” này sẽ được con người “thuần phục” để tạo ra nguồn điện năng sạch, phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất với 4 dự án điện gió trên vùng núi thuộc huyện Hướng Hóa có tổng công suất 110MW tại địa bàn 2 xã Hướng Linh, Hướng Phùng.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc CTCP THC, cho biết: “Từ trước đến nay, sản lượng gió ở Hướng Linh rất lớn, từ 6,5 - 7m/s, nhưng chưa sử dụng. Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa tiềm năng này, biến nơi đây thành “thủ phủ” điện gió trong tương lai. Qua đó sẽ đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công ty và cả người dân, đồng thời góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng”.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ở một số địa phương như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai… Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360MW/năm.
Đặc biệt, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020 thì công suất điện gió Việt Nam đạt 800MW, đến năm 2030 đạt 6.000MW.
Thế nhưng, hiện cả nước mới chỉ có 5 nhà máy điện gió với tổng công suất chưa đầy 200MW, dù rằng các tỉnh nói trên đều đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến đăng ký thăm dò và cấp phép, thậm chí khởi công các dự án điện gió. Thực trạng các dự án điện gió chưa tìm được lối ra có nhiều nguyên nhân như: vốn, giá bán điện, công nghệ, cơ chế hỗ trợ...
Cùng với đó, nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió nên khi thiết kế phải nghiên cứu kỹ lưỡng về chế độ gió, địa hình cũng như loại gió…
Trong đó, có 2 nguyên nhân được xem là “nút thắt” lớn nhất là vấn đề vốn đầu tư và giá bán điện (hiện giá mua điện gió ở Việt Nam chỉ 7,8cent/kWh, tương đương 1.754 đồng/kWh, trong khi ở các nước trên thế giới khoảng 10 cent/kWh tương đương 2.249 đồng/kWh). Đặc biệt, vốn làm điện gió thường đắt gấp đôi so với các nhà máy thủy điện/nhiệt điện cùng công suất.
Lợi thế của năng lượng gió so với các nguồn năng lượng truyền thống khác là nguồn cung sẵn có, dồi dào, có thể tái tạo, bền vững, thân thiện với môi trường, giá cả cạnh tranh nếu được sản xuất trên quy mô lớn.
Song theo các nhà đầu tư, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện gió, trước mắt Bộ Công thương cần kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh lên mức 12 cent/kWh vào năm 2020, nhằm thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, cần có chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận và vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để phát triển điện gió…
Từ những máy phát điện gió nhỏ, “góp gió thành bão” sẽ góp phần giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện những năm tới.

Tin cùng chuyên mục