Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng

Trong những ngày gần đây, dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi, bàn luận về sự kiện Quốc hội thảo luận xem xét Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đã có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại luật về đặc khu sẽ có những sơ hở khiến bị lợi dụng, gây hệ lụy cho việc bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Và rồi với thái độ trọng thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án luật về đặc khu, để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội và nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. 

Mặc dù vậy, trong ngày 10-6, ở một số địa phương vẫn có nhiều người xuống đường tham gia vào các nhóm tụ tập đông người, tuần hành để bày tỏ chính kiến, phản đối việc xem xét luật về đặc khu, thậm chí có nhiều người thiếu kiềm chế, có hành động quá khích, phá hoại, manh động, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông trầm trọng ở nhiều nơi. Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội sáng 11-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng qua sự việc này cho thấy việc Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang bàn ở hội trường đã lan tỏa ra xã hội, chỉ đáng tiếc là có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề, nên đã có những hành động quá khích, và cũng không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng. Quốc hội kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. 

Đó là cách nhìn nhận xác đáng về sự kiện bất ổn ngày 10-6. Người dân quan tâm vấn đề hình thành các đặc khu, cho thấy lòng dân rất quan tâm vận mệnh đất nước. Thật đáng quý, đáng trân trọng khi các tầng lớp nhân dân đang ý thức rất rõ trách nhiệm bảo vệ quyền lợi quốc gia, dân tộc, không thờ ơ với việc xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh trong thế kỷ 21. Song, từ một vấn đề đang khiến dư luận quan tâm, lo lắng, các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội này để gây hoang mang, ly gián, kích động những người nhẹ dạ cả tin, tạo hiệu ứng tâm lý bất bình trên mạng xã hội và phát tán các tin nhắn hô hào xúi giục người dân tụ tập phản đối, nhằm gây rối trật tự an ninh. 

Nhìn lại sự việc, có thể thấy nếu có sự chuẩn bị chăm chút, chu đáo hơn, thì tình hình đã không diễn biến xấu như vậy. Việc hình thành các đặc khu là vấn đề rất nhạy cảm, do vậy lẽ ra dự án luật về đặc khu phải được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn, cẩn thận hơn trong nhân dân, nhất là ở các đô thị lớn và các địa phương hình thành đặc khu; đưa ra các giải pháp thật khả thi, cung cấp nhiều thông tin thuyết phục, để dự án được bổ sung hoàn chỉnh, khi trình Quốc hội sẽ được dư luận đồng thuận cao. Khi đưa dự án luật ra Quốc hội xem xét thảo luận, trong dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí có những ý kiến phê phán, xuyên tạc, nhưng rất tiếc là các nội dung giải trình của các cá nhân và cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa đủ thuyết phục. Người dân rất cần được tiếp nhận thông tin kịp thời, đầy đủ và chính thức từ các cơ quan chức năng, do vậy việc chậm đưa ra thông tin minh bạch đến người dân đã làm tin đồn thất thiệt và xuyên tạc có cơ hội lan truyền, khiến lòng dân bất an, nao núng. Trong tình thế như vậy, các vị lãnh đạo trực tiếp phụ trách vấn đề này cần nhanh nhạy đăng đàn, lên truyền hình, nói chuyện thời sự cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời và thuyết phục, để dư luận nhân dân không bị hoang mang, suy diễn và thông tin không bị nhiễu, không dẫn đến việc có người quá khích, cực đoan. Khi cần thiết, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhanh chóng vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ xấu, an dân với ý thức trách nhiệm cao. Điều rất quan trọng là chính quyền và nhân dân cùng có tiếng nói chung.

Tin cùng chuyên mục