Đừng chậm chân lần nữa

Khoảng 6 năm trước, thể thao Việt Nam (TTVN) suýt nữa đã có một sự thay đổi rất lớn khi Đài truyền hình AVG đề nghị mua bản quyền hình ảnh với thời hạn lên đến 20 năm. Rất tiếc, sự thiếu thống nhất của các liên đoàn và cả những thiếu nhạy bén về tư duy khiến cho thương vụ ấy không thành hiện thực.

Đứng ở thời điểm này nhìn lại, có thể nói TTVN đã bỏ qua cơ hội “bằng vàng” để có thể quảng bá và phát triển. Trong thời đại công nghệ số và sự bùng nổ các nền tảng chia sẻ hình ảnh hiện nay, những môn thể thao “kén” người xem vẫn có thể tìm được khán giả của mình thông qua mạng xã hội. Thế nhưng, để có những chương trình chất lượng mà chia sẻ thì lại cần phải sản xuất một cách chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc đầu tư cho sản xuất. Hãy tưởng tượng nếu hợp đồng với AVG được thực hiện, nhiều giải đấu thể thao của Việt Nam sẽ được “lên sóng” và quảng bá rộng rãi hơn. Thực tế cho thấy, trên các nền tảng video hàng đầu như YouTube hay Facebook ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu chỉ có bóng đá bởi môn này được các đài truyền hình truyền tải phong phú.

Sự kiện Facebook mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh ở thị trường Việt Nam một lần nữa cho thấy xu hướng xem thể thao qua các nền tảng mạng xã hội phát triển khủng khiếp như thế nào. Không chỉ bị sự cạnh tranh của truyền hình “phi truyền thống” mà các hệ thống đài truyền hình trả tiền tại Việt Nam còn đứng trước các thách thức trong việc phục vụ người dùng thông qua các chương trình có sự chuyên biệt, đặc sắc cao trong lĩnh vực thể thao.

Khả năng sau giải ngoại hạng Anh thì đến lượt những sự kiện có lượng khán giả đông như La Liga hay các giải Grand Slam quần vợt… rồi cũng vào tay những gã khổng lồ công nghệ vốn mạnh về tài chính cũng như năng lực tiếp cận người xem. Trong trường hợp họ phát sóng miễn phí thì hệ thống truyền hình trả tiền sẽ lao đao.

Nhưng thách thức của ngành truyền hình, có khi lại là cơ hội của nhiều môn thể thao tại Việt Nam. Thứ nhất, các kênh truyền hình thể thao của Việt Nam cần có thêm những sản phẩm “độc quyền” để giữ lại người xem truyền thống qua tivi. Nói gì thì nói, xem thể thao trên màn hình lớn vẫn tốt hơn điện thoại hay máy tính bảng, nhất là với các môn có tốc độ thi đấu cao, khó quan sát trên màn hình nhỏ. Như vậy, khi không còn độc quyền các giải thể thao quốc tế, nhiều khả năng nhà đài Việt Nam sẽ quan tâm hơn đến các giải nội địa, vốn vẫn có lượng khán giả riêng dù không nhiều như bóng đá.

Thứ hai, trong trường hợp Facebook hay YouTube phát sóng bóng đá trên nền tảng của họ, cũng có nghĩa là lượng người xem thể thao sẽ chuyển dịch từ truyền hình truyền thống sang một cách đông đảo. Các môn thể thao tại Việt Nam sẽ không chịu sự cạnh tranh về kênh hay thời gian phát sóng như trên truyền hình nữa bởi người xem toàn quyền chọn lựa sự kiện mà mình thích để xem chứ không phải chờ đợi hoặc xem ở các khung giờ bất tiện.

Nhưng nhìn thấy cơ hội là một chuyện, nắm bắt được nó lại là chuyện khác. Bản chất vấn đề vẫn là sự năng động của các đơn vị quản lý cũng như của chính những người làm nghề thể thao. Nói gì thì nói, muốn phục vụ người hâm mộ trên bất kỳ nền tảng nào thì yêu cầu đầu tiên là phải có các chương trình chất lượng cả về hình ảnh lẫn chuyên môn thi đấu. Mà muốn được như vậy, các nhà quản lý cần có sự hợp tác với những người làm truyền hình, có đội ngũ truyền thông giỏi và đặc biệt là phải có tư duy kinh doanh, tiếp thị nhạy bén để khai thác nguồn thu quay lại phục vụ cho môn thể thao của mình. Không phải môn thể thao nào được phát sóng nhiều, lại miễn phí cũng đều thu hút được người xem hoặc cũng đem lại lợi ích thiết thực về mặt tài chính. Việc có cơ hội tiếp cận được với người hâm mộ nhiều hơn chỉ là “điều kiện cần” cho sự phát triển, cái cốt lõi vẫn nằm ở “điều kiện đủ”, đó là tư duy và sự thay đổi về cách chức điều hành ở từng môn thể thao.

Thể thao, dù là bán chuyên nghiệp hay nhà nghề, vẫn mang trong mình yếu tố giải trí. Không hấp dẫn, chất lượng thi đấu quá thấp, tiếp thị không khéo léo thì cũng khó mà được người xem đón nhận.

Tin cùng chuyên mục