Đừng biến sinh viên công nghệ thông tin thành robot

Đào tạo phải đi từ thực tế, thị trường, cung - cầu, lợi ích. Các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp CNTT. Đây phải là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học.
Tọa đàm về đào tạo ICT
Tọa đàm về đào tạo ICT

Ngày 30-3, tại Học viện Bưu chính viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đồng chủ trì tổ chức tọa đàm và triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.

Tọa đàm có sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, Sở GD-ĐT, Sở TT-TT; hơn 100 trường ĐH có đào tạo ngành thuộc lĩnh vực ICT, nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng nhân lực ICT, Hiệp hội CNTT; đông đảo các học sinh - sinh viên.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, liên kết giữa trường ĐH-DN phải là nhu cầu tự thân. Trường ĐH phải coi DN như đối tác, khách hàng, và DN cũng vậy. Chủ trương gắn kết đã có hàng chục năm nay, nhiều trường ĐH đã ký kết nhiều với DN nhưng chưa hiệu quả, vì thế phải thay đổi mối quan hệ này. Bộ GD-ĐT và Bộ TT-TT quyết tâm cải thiện vấn đề này, ĐH-DN-Nhà nước phải đồng hành với nhau, coi trọng nhau để phát triển, hợp tác thiết thực, nhà trường, DN và Nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai.

“Nếu không hợp tác với nhau sẽ cùng bị phá sản, phải có động lực như vậy để cùng nhau tạo nên hệ sinh thái đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đặt mục tiêu 1 triệu DN, do đó nhu cầu nhân lực lại càng trở nên gay gắt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Đừng biến sinh viên công nghệ thông tin thành robot ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ TT-TT tham quan triển lãm

Ngành ICT là ngành có nhu cầu nhân lực rất cao, chính vì vậy, cần có sự hợp tác giữa đào tạo và tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu. ICT là ngành thay đổi chóng mặt, vì thế chương trình đào tạo phải thường xuyên thay đổi. Các trường ĐH có giảng viên trình độ, các DN có công nghệ, vì thế phải bắt tay với nhau thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Thực tập, thực hành của sinh viên ICT phải ở trong các DN công nghệ, tương tự như sinh viên ngành y phải thực tập ở bệnh viên, sinh viên sư phạm phải thực tập ở trường học. Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa trường ĐH và các DN công nghệ, bảo đảm ra trường sinh viên công nghệ không chỉ có việc làm ngay mà đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời đại công nghiệp 4.0”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

Theo thống kê, hiện có có 235 trường, có 50 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường. Tuy nhiên, số lượng so với nhu cầu phát triển DN CNTT, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến 2020 có 1 triệu DN khởi nghiệp là chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần tới 100.000 cử nhân CNTT có chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vì vậy, vấn đề đặt ra với các nhà trường đào tạo thế nào, DN hợp tác ra sao, DN có nên chỉ dừng ở việc cấp học bổng cho sinh viên?

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, cập nhật thay đổi khoa học công nghệ. Các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ, còn nếu chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Đào tạo ICT ngoài chuyên môn cần phải tăng cường tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm.

“CNTT rất đặc thù, nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành robot, trong khi sinh viên CNTT có thể biến robot thành con người”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Muốn thế, đào tạo phải đi từ thực tế, thị trường, cung - cầu, lợi ích. Các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp CNTT. Đây phải là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh, tọa đàm này là khởi đầu cho một chuỗi hoạt động thúc đẩy gắn kết cung - cầu đào tạo. Trong đó, vai trò của bộ, ngành là hỗ trợ, quyết định thành công hay không là nhà trường và DN.

“Nếu các trường cứ tư duy đi xin, DN tư duy đi cho sẽ không bền. Các trường cần quyết liệt đổi mới, tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên đổi mới, kích hoạt thực sự, không đặt ra phong trào. Đây là sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu dài, không nóng vội nhưng thong thả như thời gian vừa qua cũng không được”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu vấn đề: đầu ra của nhà trường là DN, nhưng trường đã bám sát yêu cầu DN chưa? DN cần nhân lực nhưng đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kế chương trình đào tạo chưa? Hai bên dường như chưa hợp tác chặt chẽ, vẫn đổ lỗi cho nhau. Do đó, DN nên đầu tư cho công tác đào tạo của nhà trường, còn nhà trường phải bám sát yêu cầu của thị trường, của DN để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cấp bách phải có giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa ĐH-DN nhằm gắn kết cung - cầu trong nguồn nhân lực ICT vốn đang rất “khát” nhân lực chất lượng hiện nay. Điều đó góp phần biến giấc mơ đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về ICT thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục