Đua với thời gian

Trong nhiều tháng nay, các kỹ sư và nhân viên kiểm soát không lưu đã quen với không gian làm việc mới trong những căn phòng không có cửa sổ tại sân bay Changi, Singapore. Người ta gọi đây là hình mẫu tháp không lưu của tương lai. 

 

Đã không còn những bức tường kính cho phép các nhân viên có thể quan sát 360­o với tầm nhìn bao quát các đường băng, khu vực đường lăn hay bãi đáp, nơi nhiều máy bay xếp hàng ngay ngắn. Thay vào đó là một màn hình điện tử khổng lồ giúp nhân viên ở đây có thể quan sát những thứ mà trước kia họ khó thấy bằng mắt thường nhờ hệ thống camera tiên tiến, công nghệ ghép nối video cho phép theo dõi, di chuyển, xoay và phóng to đến từng máy bay hoặc một khu vực cố định trong sân bay. Hệ thống mới giúp xử lý hàng loạt dữ liệu số để có thể quản lý giao thông đường không hiệu quả hơn. Nếu thành công, Changi sẽ là sân bay lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng giải pháp tháp không lưu thế hệ mới này.

Lượng hành khách tại khu vực châu Á đã gia tăng chóng mặt gần đây và các sân bay không thể theo kịp đà tăng trưởng đó. Khi tầng lớp trung lưu bùng nổ ở khu vực này, số lượng hành khách trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng 4,8% mỗi năm trong vòng 20 năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3,5% của thế giới. Thống kê của Hiệp hội Hàng không quốc tế cho biết, sẽ có gần 4 tỷ hành khách thực hiện các chuyến bay trên toàn châu Á vào năm 2037, tăng thêm khoảng 2,35 tỷ lượt so với hiện nay. Chỉ tính riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 228 sân bay đang trong quá trình xây dựng, chiếm hơn một nửa tổng số lượng sân bay trên toàn thế giới. Tính cả các dự án mở rộng các sân bay hiện tại, khu vực này đã đầu tư tổng cộng 316,5 tỷ USD để xây dựng, cải tạo hệ thống sân bay.

Chỉ trong vòng 2 năm, sân bay Soekarno - Hatta tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã đưa vào sử dụng đường băng thứ 3 và sảnh hành khách thứ 4 cũng đang trong quá trình xây dựng. Các quan chức ở đây tiết lộ kế hoạch xây dựng một sân bay mới trị giá 100.000 tỷ rupiah (tương đương 6,87 tỷ USD) ngay gần sân bay hiện tại. Quá trình xây dựng sân bay mới, có thể gọi là sân bay Soekarno-Hatta II, sẽ được khởi công vào năm 2021. Công trình này có diện tích hơn 2.000ha nằm trên vùng đất mới vừa được khai phá với quy mô ngang bằng với sân bay hiện tại.

Sảnh hành khách số 3 tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta, Indonesia, trong quá trình xây dựng năm 2016. Ảnh: Nikkei.
 Thái Lan cũng là một minh chứng cho công cuộc mở rộng hệ thống sân bay. Họ lên kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất của sân bay Suvarnabhumi tại thủ đô Bangkok lên 150 triệu hành khách/năm. Sân bay hiện tại, được khai trương năm 2006 và đang là sân bay lớn nhất Thái Lan, được thiết kế phục vụ 45 triệu khách/năm nhưng đang phải gồng mình đón lượng hành khách lên đến 65 triệu khách. Tại Ấn Độ, hồi tháng 9-2018, quốc gia này khánh thành sân bay thứ 100 và Bộ trưởng Bộ Hàng không dân dụng Suresh Prabhu cho biết có kế hoạch mở thêm 100 sân bay nữa trong vòng 10 - 15 năm tới, những sân bay mới chủ yếu sẽ nằm tại các thành phố nhỏ với tổng số vốn đầu tư rơi vào khoảng 60 tỷ USD thông qua nguồn vốn đối ứng công - tư…


Giám đốc Hiệp hội Hàng không quốc tế Alexandre de Juniac nhận định: “Thế giới sẽ được hưởng lợi nếu như sự kết nối các khu vực, các quốc gia được cải thiện, nhưng với tốc độ phát triển ở mức hiện tại, các sân bay cũng như cơ quan kiểm soát không lưu sẽ không đủ năng lực để có thể đáp ứng được nhu cầu đang ngày một gia tăng này”.

Tin cùng chuyên mục