Bình Phước

Đua nhau… phá rừng!

Ông NGUYỄN HUY PHONG:
Đua nhau… phá rừng!

* Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2005, 160 ha rừng tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã bị đốt phá. Điều gây bất ngờ cho mọi người: đối tượng phá rừng phần đông lại là… cán bộ nhà nước.
* Trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Huy Phong khẳng định: “Sẽ truy tố ra tòa tất cả cán bộ có liên quan!”.

  • Một năm “đi” một phần ba!

Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, nạn phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép đã xảy ra liên tục trên địa bàn tỉnh trên 10 năm qua với mức độ ngày càng phức tạp, đặc biệt tại huyện Đồng Phú, nơi còn nhiều rừng tự nhiên. Số liệu kiểm kê tài nguyên rừng năm 2003 do Bộ NN-PTNT công bố cho thấy, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có 60.088 ha đất lâm nghiệp (chiếm 1/3 diện tích toàn huyện), trong đó có 21.444 ha rừng (tự nhiên và rừng trồng).

Đua nhau… phá rừng! ảnh 1

Một lãnh đạo huyện này cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh, năm 2004, huyện đã tổ chức kiểm tra, truy quét nạn phá rừng; thanh tra công tác giao khoán rừng tại 3 đơn vị chủ rừng, thu hồi được 170 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm canh trái phép. Thế nhưng, do công tác quản lý của các chủ rừng tiếp tục lỏng lẻo, thậm chí thiếu trách nhiệm nên không những việc ngăn chặn không mang lại kết quả bao nhiêu mà ngược lại, tình trạng phá rừng lại càng trở nên “đặc biệt nghiêm trọng” - như đánh giá của lãnh đạo tỉnh này.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Đồng Phú, năm 2004 trên địa bàn huyện đã xảy ra 276 vụ phá rừng làm rẫy gây thiệt hại 199 ha rừng tại các nông-lâm trường và ban quản lý rừng: Đồng Xoài, Suối Nhung, Tân Lập, Phú Thành. Trong đó, riêng lâm trường Đồng Xoài chiếm đến 214 vụ, thiệt hại 83,4 ha.

Thế nhưng, trên thực tế, không những huyện mà UBND tỉnh Bình Phước cũng phải thừa nhận: “Số vụ vi phạm và diện tích thiệt hại về rừng trên đây cũng chỉ là tương đối so với thực tế”. Cụ thể hơn, số liệu từ cuộc điều tra diễn biến tài nguyên rừng năm 2004 của cơ quan chức năng tỉnh này thể hiện, diện tích rừng bị phá tại huyện Đồng Phú lên đến hơn 562 ha, tức gấp gần 3 lần diện tích được lập biên bản.

Trong số này, riêng lâm trường Đồng Xoài mất 175 ha, Ban quản lý kinh tế Suối Nhung mất trên 493ha, Ban quản lý kinh tế Tân Lập mất 46,8 ha. Điều đáng lưu ý: trên 95% diện tích rừng bị mất là rừng tự nhiên!

  • Đua nhau phá rừng

Theo điều tra mới nhất của phóng viên, trong khi lãnh đạo huyện Đồng Phú khẳng định “đứng trước tình trạng phá rừng nghiêm trọng trong năm 2004, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn, các chủ rừng, các xã tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Ất Dậu”, thì rừng tại các đơn vị kể trên lại tiếp tục gặp đại họa.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2005, tổng diện tích rừng bị phá làm rẫy được cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản tại 3 lâm trường và ban quản lý rừng thuộc huyện Đồng Phú lên đến 159 ha. Tại Ban quản lý rừng kinh tế Tân Lập, tổ kiểm tra của Hạt kiểm lâm Đồng Phú phát hiện trên 10 ha rừng tự nhiên bị đốt phá tại 3 tiểu khu và đều do ông Hai Chim (Công ty TNHH Thanh Cảnh) và một người khác tên Mưu (ngụ xã Tân Hòa, Đồng Phú) thực hiện.

Tại Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung, hơn 12 ha rừng tại các tiểu khu 357, 361, 362, 363 cũng đã trở thành… tro. Toàn bộ diện tích rừng đã và đang bị đốt phá tại đây đều do chính các đơn vị, cá nhân được nhà nước cho nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ - HTX Thành Tiến, Công ty TNHH miền Đông và một số cán bộ công chức trong tỉnh – chủ mưu. Lãnh đạo Hạt kiểm lâm Đồng Phú cho biết, trước sự việc nghiêm trọng trên, Hạt đã khởi tố vụ án phá rừng “điển hình” của HTX Thành Tiến.

Thế nhưng, trong lúc đang chuẩn bị chuyển giao hồ sơ “vụ án HTX Thành Tiến” cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện để truy tố ra tòa thì tại lâm trường Đồng Xoài, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú lại phát hiện một sự thật kinh hoàng: chỉ trong 2 tháng trước và sau Tết Ất Dậu (từ cuối tháng 12-2004 đến tháng 2-2005), gần 140 ha rừng lồ ô xen gỗ tại 6 tiểu khu đã bị đốt phá, trong đó nặng nhất là tiểu khu 335 (96,2 ha) và 334 (39,8 ha)!

Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng như tại Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung và một số lâm trường khác, tham gia vào “làn sóng” tàn sát rừng tự nhiên tại lâm trường Đồng Xoài, không ai khác, lại chính là hàng loạt cán bộ công chức nhà nước, thậm chí cả cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật tại tỉnh Bình Phước. 

PHẠM TRƯỜNG 

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước:
Sẽ truy tố tất cả cán bộ có liên quan!


Phóng viên:
Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về “số phận”của hàng trăm hécta rừng tự nhiên vừa bị tàn phá không thương tiếc tại các lâm trường và ban quản lý rừng thuộc địa bàn huyện Đồng Phú?

- Ông NGUYỄN HUY PHONG: Đây thật sự là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

- Ông lý giải thế nào khi mà nạn phá rừng vẫn “đặc biệt nghiêm trọng”và đối tượng đốt phá rừng vừa qua, đại đa số lại là cán bộ công chức của tỉnh?

- Trước tình trạng rừng bị tàn phá quá nhiều trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã và đang thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ. Tuy nhiên, do lực lượng bảo vệ rừng hiện nay quá mỏng, 1.000 ha rừng mới có một biên chế, trong khi các chủ rừng lại dễ dãi, thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý nên không chỉ dân thường mà các tổ chức, cá nhân nhận giao khoán cũng lợi dụng chính sách nhà nước để phá rừng lấy đất làm rẫy. Nhất là thời gian gần đây, khi giá cả hàng nông sản như điều, mì, cao su có xu hướng tăng cao, nạn phá rừng làm rẫy càng diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn, với sự tham gia của nhiều cán bộ công chức.

- Quan điểm của tỉnh đối với vụ việc này như thế nào?

- Rừng ở Bình Phước đã mất quá nhiều rồi! Đây lại là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Cho nên chúng tôi đã xác định, lần này cho dù có như thế nào cũng phải kiên quyết xử lý tới nơi tới chốn, bất kể đó là ai. Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo phải đưa vụ này ra “làm điểm”. Bởi, nếu không truy tố những cán bộ phá rừng ra tòa thì không thể nào có thể răn đe, có thể ngăn chặn được nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn.

- Vậy đến nay, việc “làm điểm”này đã tiến hành tới đâu? Có bao nhiêu cán bộ liên quan đến vụ phá rừng, thưa ông?

- Tôi được nghe thông tin là liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên tại lâm trường Đồng Xoài có cán bộ cấp tỉnh, có cán bộ cấp huyện, có cán bộ ở ngành này, ngành kia, nhưng cụ thể thì phải chờ kết luận điều tra, vì họ không trực tiếp tham gia mà hầu hết để cho vợ con hoặc người thân đứng tên. Ngay sau khi nghe Hạt kiểm lâm, UBND và cơ quan chức năng huyện báo cáo, thứ 3 tuần rồi lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan ban ngành chức năng đã tổ chức họp với bí thư, chủ tịch, Hạt kiểm lâm huyện để nắm tình hình và đã chỉ đạo cho công an huyện tiến hành điều tra ngay. Nếu công an huyện làm chưa đầy đủ, chúng tôi sẽ chỉ đạo công an tỉnh điều tra bổ sung để trong thời gian sớm nhất hoàn tất kết luận, chuyển cho Viện Kiểm sát phê chuẩn.

P.Tr. thực hiện 

Tin cùng chuyên mục