Đưa Masan vào ban soạn thảo tiêu chuẩn nước mắm để làm gì?

Ngày 14-3, phóng viên Báo SGGP đã liên lạc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT để trao đổi về việc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và cơ quan soạn thảo đưa một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước chấm công nghiệp như Masan vào cùng tham gia soạn thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm thì có hợp lý hay không? Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT không hồi âm.

Liên quan đến thông tin trong thành phần của Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm (gọi tắt là ban soạn thảo) có cả đại diện của Tập đoàn Masan - một doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước chấm công nghiệp, theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, ngày 23-2-2017, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ra Quyết định số 200/QĐ-QLCL thành lập ban biên soạn, trong đó không có đại diện Masan. Đến ngày 6-2-2018, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản lại ban hành Quyết định số 46/QĐ-QLCL về việc kiện toàn ban biên soạn thay thế Quyết định số 200/QĐ-QLCL để bổ sung đại diện của Masan vào thành phần ban biên soạn theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - AFT, ngay sau khi được bổ sung vào thành phần ban biên soạn, đại diện của Masan đã kiên quyết đòi thay thế cụm từ “nước mắm truyền thống” bằng “nước mắm nguyên chất” và giữ cụm từ “nước mắm” để chỉ nước mắm pha chế công nghiệp”. Sau này, việc cơ quan chủ trì soạn thảo không chấp nhận sử dụng khái niệm nước mắm truyền thống là nguyên nhân khiến nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp làm mắm phản đối dự thảo TCVN 1260:2019. 

Bà Trần Thị Dung, một chuyên gia về nước mắm, thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết đã vô tình được tiếp xúc với hồ sơ thành lập Hội nước mắm Việt Nam và thấy rằng danh sách của Ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam có 6 doanh nghiệp của Masan và một vài doanh nghiệp cung cấp muối cho doanh nghiệp này. Theo bà Dung, hiệp hội này không hề sản xuất nước mắm nhưng lại đặt tên hội có chữ “nước mắm”, nên đã đề nghị không được đánh đồng khái niệm.

Trả lời về việc đưa thành viên của Masan vào Ban soạn thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, người ký các quyết định, cho biết có mời các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất nước mắm để có đại diện đầy đủ các bên liên quan, bảo đảm tính minh bạch, khách quan và cẩn trọng. Trong Quyết định số 46/QĐ-QLCL có đại diện 3 hiệp hội nước mắm: Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết và đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan. Ông Tiệp cho rằng khi xây dựng dự thảo, ý kiến của các thành viên ban soạn thảo khác nhau là bình thường. 

Ngày 14-3, phóng viên Báo SGGP đã liên lạc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT để trao đổi về việc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản và cơ quan soạn thảo đưa một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước chấm công nghiệp như Masan vào cùng tham gia soạn thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm thì có hợp lý hay không? Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT không hồi âm.

Tin cùng chuyên mục