Dù xuất phát từ số 0 cũng phải đầu tư cho khoa học ​

Bên lề hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” do Tổ chức Khoa học và Giáo dục -Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) phối hợp với Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định tổ chức trong 2 ngày 9, 10-5 với sự tham dự của hơn 150 nhà khoa học quốc tế,  GS Herwig Schopper (người Đức)-nguyên Chủ tịch Ủy ban của Trung tâm hạt nhân châu Âu đã có trao đổi về một số vấn đề về phát triển khoa học.
GS Herwig Schopper
GS Herwig Schopper

*Phóng viên: Thưa GS, Việt Nam là một quốc gia còn khó khăn, khát vọng phát triển khoa học công nghệ thì rất lớn nhưng lại bị hạn chế về tiềm lực, liệu có giải quyết được vấn đề này?

*GS Herwig Schopper: Việt Nam là một nước đang phát triển. Giống như 1 số quốc gia và vùng lãnh thổ  khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... họ cũng xuất phát từ con số 0, nhưng nhờ khoa học công nghệ mà họ phát triển cho đến ngày nay. Cho nên Việt Nam cũng cần phải đưa khoa học vào để phát triển mọi lĩnh vực, trong đó có công nghệ. Việt Nam nếu làm được điều đó sẽ rất tốt để phát triển.

*Vậy Việt Nam phải bắt đầu từ đâu?

* Điều này phải đầu tư thực hiện từ đầu, từ các học sinh, các bạn trẻ. Tôi nghĩ rằng, khi có 1 trung tâm tốt như thế này (Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành-ICISE ở Quy Nhơn, Bình Định)  thì đã là một điều kiện thuận lợi. Các bạn trẻ không thể ở trong một quốc gia được, muốn phát triển khoa học thì phải mở rộng, phải hợp tác quốc tế. Kể cả 1 nước giàu có như nước Mỹ thì cũng phải hợp tác, phải chia sẻ về khoa học với các quốc gia khác trên thế giới. Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành ICISE đã đưa đến Việt Nam rất nhiều nhà khoa học trên thế giới để giao lưu và chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam.

*Năm nay GS đã 94 tuổi nhưng vẫn đi khắp nơi để giao lưu về khoa học. Liệu trong nghiên cứu khoa học có giới hạn lứa tuổi?

*Thực ra, ở tuổi tôi không thể nghiên cứu được nữa nhưng những kinh nghiệm của tôi trong suốt cuộc đời làm khoa học sẽ giúp được cho sự phát triển khoa học. 20 năm nay, tôi đã liên tục làm về khoa học cho hòa bình. Tư tưởng của nghiên cứu hạt nhân châu Âu đã được lan tỏa trên cơ sở kinh nghiệm của tôi sang một số nước.

*Nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất lớn về tài chính, điều kiện, phương tiện, cơ sở hạ tầng. Việt Nam còn khó khăn về điều kiện thì phát triển khoa học như thế nào? Nên ưu tiên cái gì đầu tiên?

*Tôi nghĩ rằng, cái quan trọng là mình xây dựng những điều kiện cơ sở, cơ bản. Trên nền nghiên cứu cơ sở, cơ bản này thì không nên bỏ qua 1 vấn đề nào, không thể chỉ tập trung vào 1 vấn đề nào vì mọi lĩnh vực đều cần thiết. Vật lý, sinh học… đều cần thiết. Nói chung tất cả đều phải dựa trên nền tảng cơ bản, từ nền tảng này thì mình tiếp tục nghiên cứu.

GS Herwig Schopper là Tổng giám đốc của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Trong thời gian ông làm  lãnh đạo trung tâm đã có 2 giải Nobel về Vật lý đã được trao cho các nhà khoa học của CERN.
Mặc dù đã 94 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc như một cố vấn, một đại sứ thiện chí cho khoa học hòa bình.
GS Herwig Schopper là nhà khoa học không biên giới có đóng góp nhiều cho hòa bình thế giới. Đây là lần thứ 2, GS Herwig Schopper đến Việt Nam dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục