Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn thiếu tính đột phá

Sáng 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Qua nhiều lần lắng nghe góp ý, dự thảo luật đến nay vẫn chưa tạo được yên tâm trong đội ngũ nhà giáo. 

Các nội dung trong một số điều luật còn chồng chéo, chưa thể hiện được quyết tâm đổi mới ngành một cách toàn diện.

Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, chỉ ra trong dự luật còn hơn 26 điều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành quy định. “Cái gì quy định được thì nên quy định rõ ngay trong luật, không thể tiếp tục chờ các bộ, ngành giải quyết. Trong đó, tôi thấy từ nguyên lý giáo dục đến phương pháp còn dông dài, diễn đạt trừu tượng, khó hiểu; chủ trương đổi mới nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng hơn, sẽ không hiệu quả”, đồng chí Phạm Phương Thảo bày tỏ. 

Về quy định nâng chuẩn giáo viên bậc mầm non (từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm) và bậc tiểu học (đạt trình độ đại học) với lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2026 được nhiều đại biểu cho là quá cập rập. Theo đó, với những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM - nơi tập trung nguồn lao động chất lượng cao - có thể hoàn thành trước thời hạn, song với nhiều tỉnh, thành miền núi, khu vực còn thiếu giáo viên sẽ khó thực hiện. Cô Lại Thị Nguyên Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non TPHCM, nêu quan điểm: “Yêu cầu nâng chuẩn tất yếu sẽ kèm những thay đổi về chính sách, lương bổng, qua đó giải quyết được tình trạng giáo viên trình độ đại học nhưng chỉ nhận được mức lương trình độ trung cấp khá vô lý hiện nay. Tuy nhiên, nếu vội vàng nâng chuẩn theo kiểu đào tạo mì ăn liền, đào tạo thiên về kiến thức, thiếu trang bị kỹ năng mềm, việc học liên thông từ trung cấp lên các trình độ cao đẳng, đại học được tổ chức quá dễ dàng, sẽ không nâng cao được chất lượng thật sự của đội ngũ”. 

Ở khía cạnh khác, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết hiện nay hiệu trưởng trường học vừa là công chức vừa phải hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy để được hưởng phụ cấp 35% ưu đãi dành cho đối tượng nhà giáo. Ban giám hiệu bắt buộc phải lấy tiết của giáo viên chủ nhiệm hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp để hoàn thành nghĩa vụ 2 tiết dạy/tuần đối với hiệu trưởng và 4 tiết/tuần đối với hiệu phó. Đây là bất cập tồn tại từ rất lâu, gây khó khăn cho đội ngũ quản lý.

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa (SGK), theo bà Nguyễn Hoàng Hà, Phó chánh văn phòng Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, đây là vấn đề đang khá “nóng”, thu hút quan tâm của toàn xã hội, đồng thời là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, tại Điều 29 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), các quy định về biên soạn và thẩm định nội dung SGK còn chung chung, khá mờ nhạt. Ông Huỳnh Văn Sáu, Ban cán sự Liên đoàn Lao động TPHCM, cho rằng luật quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK nên ai cũng có thể viết sách được, sử dụng sách nào sẽ do hội đồng trường hoặc tổ chuyên môn quyết định. Chất lượng giữa các quyển sách có thể không chênh lệch nhiều nhưng chỉ cần 1 - 2 điểm nhấn sẽ tạo nên khác biệt. Tuy vậy, việc Bộ GD-ĐT vừa tham gia biên soạn sách vừa được trao quyền thẩm định khiến dư luận lo ngại. “Tôi đề xuất nên giao cho các sở GD-ĐT chủ động lựa chọn và thẩm định; quản lý ở cấp bộ để làm những việc lớn hơn”, ông Huỳnh Văn Sáu kiến nghị. 

Tin cùng chuyên mục