Dự án treo quá lâu, vượt sức chịu đựng của dân

Thảo luận về công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TPHCM tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra vào chiều nay, 11-7, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (quận 9, TPHCM), nhận xét nhiều nơi quy hoạc treo diễn ra rất lâu, là quá sức chịu đựng đối với người dân.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã treo trên 20 năm
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã treo trên 20 năm

Là người đầu tiên đăng đàn phát biểu, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn, nhất là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong thời gian qua.

Dự án treo quá lâu, vượt sức chịu đựng của dân ảnh 1 ĐB Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
 ĐB Khuê dẫn chứng việc Công ty Thăng Long (quận Tân Bình) có nhiều sai phạm trong xây dựng đã bị xử lý quyết liệt và khẳng định đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP trong công tác này. Cử tri TPHMC cũng rất mong chờ về sự quyết liệt tương tự như thế, tại nhiều dự án, nhiều nơi khác nhằm loại trừ được các dự án mà năng lực nhà đầu tư không tốt hoặc có vấn đề.
Đánh giá chung, ĐB Khuê cho rằng có thời điểm công tác TPHCM buông lỏng quản lý trong công tác này. Đến khi TPHCM muốn phát triển công trình phúc lợi cho người dân TPHCM thì cứ loay hoay, không tìm được quỹ đất thích hợp. Đặc biệt, có lúc chính quyền TPHCM lại tập trung vào khu dân cư ổn định, để bồi thường, thu hồi đất. Trong khi đó, nhiều khu đất khác lại sử dụng rất lãng phí.

Để chấn chỉnh công tác này, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị trong năm 2019, HĐND TP có chương trình giám sát tập trung vào mặt bằng kho bãi, nhà xưởng trên địa bàn TP. Những địa chỉ này đang được sử dụng chưa đúng mục đích, lãng phí nên cần thực hiện giám sám, kiểm tra lại và tiến hành thu hồi, phục vụ xây dựng trường học cơ sở văn hóa.

“Trên địa bàn TPHCM còn hơn hơn 1.000 ha đất và hơn 1.000 căn hộ chung cư chưa thống kê đầy đủ”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê tiếp tục dẫn chứng. Do đó, các quận - huyện và sở - ngành cần thực hiện ngay và tổng hợp đầy đủ. Từ đó đưa ra phương án khai thác tốt nhất cho TP trong giai đoạn tới.

Đề cập đến các dự án treo, dự án triển khai chậm chạp, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ tán đồng với việc kiên quyết xử lý hơn nữa.

Nói rõ hơn về quan điểm này, ĐB Khuê chuyển tải đến nghị trường nhiều dẫn chứng cụ thể về dự án treo mà cử tri, người dân bức xúc phản ánh nhiều lần. Đó là, người dân ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bị “treo” hơn 20 năm qua.

“Tôi đi thực tế trên cơ sở thư kiến nghị của cử tri”, ĐB Khuê thông tin và phản ánh, nơi đây dù cự ly không xa trung tâm TPHCM, dân cư đông đúc nhưng cuộc sống của người dân không đạt yêu cầu. Nhà cửa xuống cấp, giao thông xuống cấp, ngập lụt xảy ra triền miên, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong suốt thời gian dài qua, mặc dù TPHCM đã luôn mời chào kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai và người dân nơi đây tiếp tục khốn khó. Quy hoạch treo kéo dài đến nay đã hơn 20 năm, đã quá sức chịu đựng của cử tri.

ĐB Khuê cũng khẳng định đã thực hiện giám sát thực tế ở khu đô thị mới Thủ Thiêm và cảm nhận nơi đây cũng rất hoang hóa, điều kiện sống của người dân còn rất chật vật vì dự án chậm trễ.

ĐB Khuê tiếp tục chuyển tới nghị trường kiến nghị của 2 chi bộ Đảng ở phường 25 (quận Bình Thạnh) về 1 khu đât công đã giao giao Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh đầu tư dự án nhưng đến nay vẫn còn hoang hóa. Các chi bộ này đề nghị giám sát do dự án treo kéo dài.

Chính vì vậy, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng đây là tiếng chuông cảnh báo trong công tác quản lý, cần được rà soát lại các thủ tục, các quy trình thực hiện. Đặc biệt là việc tham khảo ý kiến công khai của người dân tại nơi quy  hoạch để người dân được tham gia, thụ hưởng và giảm bớt sự căng thẳng không cần thiết.

Cùng bày tỏ bức xúc về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nhấn mạnh về sự lãng phí đất công diễn ra trong nhiều năm qua khiến người dân bức xúc. Trong số này có nhiều nơi được cho thuê với giá rẻ mạt hoặc cho thuê nhưng không kê khai hoặc quản lý lỏng lẻo để đất công bị lấn chiếm vô tội vạ.

“Điều bất hợp lý là trong khi hàng trăm khu đất công bỏ không, lợi nhuận thấp lợi ích chảy vào túi riêng của vài cá nhân thì TPHCM rất chật vật tìm kiếm kinh phí giải quyết ùn tắc giao thông, ngập lụt, xây dựng trường học”, ĐB Trâm bức xúc.

Trước đó, báo cáo trươc kỳ họp về kết quả giám sát công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước trực tiếp quản lý, ĐB Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nhận xét trong công tác quản lý, sử dụng và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn bước đầu đã tạo được sự chuyển biến, phần lớn đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng công. UBND TP cũng xác định một cách có hệ thống tài sản là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án, kế hoạch sắp xếp, xử lý hiệu quả. Qua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất đã thu hơn 9.305 tỷ đồng cho ngân sách TP, để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn dự án chậm triển khai, quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện. Thậm chí nhiều dự án đã bồi thường 100% diện tích nhưng không triển khai thực và biến thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư có giá rất thấp so với giá giao dịch thực tế trên thị trường vẫn còn tình trạng...

Trên địa bàn TPHCM hiện vẫn còn nhiều địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước chưa được kê khai bổ sung, cập nhập biến động và bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại, liên doanh liên kết không đúng thẩm quyền. Đến nay, vẫn còn 41 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, trong đó khối Trung ương là 13 địa chỉ (gần 158.980 m2), khối thành phố còn 28 địa chỉ (hơn 58.000 m2).

Liên quan đến dự án treo, ĐB Nguyễn Văn Dũng đánh giá, UBND TP đã tập trung xử lý đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Đây là nội dung mà người dân sống trong vùng quy hoạch, dự án “treo” rất phấn khởi. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hồi các dự án “treo” và thực hiện đầy đủ quyền lợi của người dân đang sống trong quy hoạch, dự án chậm triển khai và khi dự án đã được hủy bỏ, thu hồi.

Đặc biệt, hiện nay TPHCM vẫn còn 13.930 căn hộ và nền đất đã được hình thành trong nhiều năm nhưng chưa bố trí sử dụng phần nào gây lãng phí. Cụ thể, hơn 1.800 căn hộ phục vụ tái định cư được tạo lập từ giai đoạn trước năm 2006 chưa sử dụng chuyển sang giai đoạn 2006-2017. Ngoài ra, qua kiểm tra, thanh tra 346 khu đất do 10 tổng công ty và công ty nhà nước đang quản lý sử dụng có 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống hoặc cho thuê lại

Tin cùng chuyên mục