Đột phá ứng dụng công nghệ thông tin

TPHCM xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước để giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành; tạo thuận lợi khi giải quyết thủ tục hành chính. Đây là cơ sở nhân rộng chính quyền điện tử, từ đó tiến tới xây dựng TP thông minh. 
Tại TPHCM, người dân có thể sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tiện ích do cơ quan nhà nước cung cấp (trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm busmap). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tại TPHCM, người dân có thể sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tiện ích do cơ quan nhà nước cung cấp (trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm busmap). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Vận hành Smart City Triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, TP đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng công nghệ thông tin tổ chức khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong những lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh. Trong đó, TP ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá, cũng như những vấn đề liên quan đến đời sống người dân (y tế, giao thông, giáo dục, thủ tục hành chính…). Trên cơ sở thông tin thu về, ban điều hành đề án dần hoàn thiện nội dung, kế hoạch chi tiết và trình HĐND TP, đồng thời lấy ý kiến 24 quận -huyện.  Vừa qua, TPHCM thực hiện bước đầu kế hoạch phát triển TP thông minh (Smart City). Trong đó tập trung vào những nội dung chính, gồm: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế -xã hội; trung tâm điều hành; trung tâm an toàn thông tin và đề xuất khung công nghệ tổng quan làm nền tảng cho việc triển khai xây dựng đô thị thông minh.  Năm 2017, TPHCM tiếp tục thúc đẩy xây dựng và triển khai chính quyền điện tử từ cấp TP đến cơ sở. UBND TP tổ chức tập trung triển khai nhiều ứng dụng cho sở - ngành, quận - huyện tại Trung tâm Dữ liệu TP và tăng cường an toàn an ninh thông tin cho hệ thống này.  Hiện TP có 778 điểm kết nối vào hệ thống mạng băng thông rộng (MetroNet), phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông chỉ đạo điều hành các cấp. Hệ thống liên thông văn bản tiếp tục được kết nối với các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở. Nhờ đó, cơ quan các cấp đã trao đổi hơn 2,3 vạn văn bản điện tử. Tương tự, hệ thống thư điện tử hoạt động ổn định, cung cấp 21.683 hộp thư điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí hoạt động. Hiện nay, TPHCM đang áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản, thư mời và tiến dần đến việc chấm dứt sử dụng văn bản giấy.
Mở rộng dịch vụ công trực tuyến
Không những phát huy vai trò ở cơ quan hành chính mà công nghệ thông tin còn giúp chính quyền thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện Cổng thông tin điện tử TP và các trang thành viên được nâng cấp hoàn chỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách. Công tác xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được mở rộng, tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến theo chiều sâu. Cụ thể, TPHCM đang triển khai thí điểm thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến qua ngân hàng. Hiện TP có 493 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 59 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.  Hệ thống một cửa điện tử đi vào sử dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hệ thống cung cấp tình hình giải quyết hồ sơ và công khai tỷ lệ hồ sơ đúng hạn/trễ hạn.  TP thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, sự cố hạ tầng kỹ thuật qua tổng đài 1022, thư điện tử, website và liên thông tổng đài 113-114-115.  UBND TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước xây dựng đề án khung phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, có 12/17 doanh nghiệp trực thuộc TP đã xây dựng khung ứng dụng. Song song đó, TP hỗ trợ thực hiện thí điểm báo cáo tháng/quý qua mạng, đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà, hệ thống một cửa quản lý hồ sơ đất đai… 
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức mới đây, nhận xét về công tác cải cách hành chính trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ một số tồn tại và nguyên nhân. Đơn cử, việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử ở nhiều địa phương còn chậm, kết quả còn hạn chế. Ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Theo đồng chí Trương Hòa Bình, chính sức ì của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ đã dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển” và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công tác cải cách.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 79 nhiệm vụ được giao trong kế hoạch cải cách hành chính trong năm 2018. Từng thành viên ban chỉ đạo cải cách hành chính cần sát sao, đôn đốc, kiểm tra để bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành công việc đạt hoặc vượt mức mục tiêu đề ra.

Tin cùng chuyên mục