Đông Nam bộ nhiều nơi vẫn thiếu nước

Những cơn mưa trong những ngày vừa qua chỉ giúp một số khu vực vùng Đông Nam bộ như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Đồng Xoài, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước); Định Quán, Nhơn Trạch... (Đồng Nai) giảm bớt không khí oi bức. 

Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, cộng với việc mùa mưa năm 2018 ở khu vực này kết thúc sớm, dẫn đến mực nước ở các hồ đập, sông suối nhỏ cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Tại tỉnh Bình Phước, nắng nóng khiến mực nước tại các hồ Tà Thiết, Tà Le (huyện Lộc Ninh), Bù Ka (huyện Phú Riềng), Bình Hà (huyện Bù Gia Mập), An Khương, Suối Ông (huyện Hớn Quản) và Suối Giai (huyện Đồng Phú)... đều xuống thấp so với mức bình thường. Mực nước các công trình thủy điện chính trên Sông Bé hiện cũng dưới mực nước bình thường, trong đó công trình thủy điện Thác Mơ đạt 210,01m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 7,99m; thủy điện Cần Đơn đạt 106,18m và thủy điện Sok Phu Miêng là 71,54m. 

Trong khi đó, 2.980 hộ ở các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập và TP Đồng Xoài đang phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; 5.594,3ha hồ tiêu, cà phê thuộc các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng bị ảnh hưởng và 8.489ha có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn hán. Ghi nhận tại 2 công trình cấp nước thuộc địa bàn thôn Bù Rên và Bù Lư (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập), nơi phục vụ nước sinh hoạt cho gần 400 hộ gia đình, mực nước đã xuống thấp; dự báo sẽ cạn nước nếu hiện tượng nắng nóng tiếp tục kéo dài. Đặc biệt, nhiều người thôn Bù Rên đã phải đi mua nước về dùng. Chị Điểu Thị Vưm cho biết, chị đang “ngồi trên lửa” vì hơn 300 trụ hồ tiêu dần khô héo do không được tưới thường xuyên. Gia đình chị cùng các bạn vườn đầu tư 20 triệu đồng để múc ao nhưng mạch nước ngầm ít nên cũng không đủ nước tưới. Cạnh đó, ông Điểu Đớt cũng lo lắng vì giếng đào của gia đình đang cận kề “mực nước chết”.  Ông Lê Văn Túa, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Bù Gia Mập, cho biết, hiện nay tất cả các khu vực trên địa bàn xã thiếu nước nghiêm trọng. Tại thôn Bù Lư, Bù Dốt, Bù Đắc Á, Bù Nga hiện có nhà phải mua nước sạch với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/xe tùy theo khoảng cách.

Thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến cuộc sống 
của người dân huyện Bù Gia Mập          Ảnh: HOÀNG BẮC
 Tại Đồng Nai, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh như các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch đã xảy ra tình trạng thiếu nước từ đầu tháng 2 đến nay, có nơi  nông dân phải bỏ hẳn vụ đông - xuân hoặc chấp nhận cây trồng lâu năm giảm năng suất. Toàn tỉnh hiện có trên 179.000ha cây lâu năm, phần lớn sử dụng nguồn nước trời, giếng đào, giếng khoan để tưới. Các công trình thủy lợi của tỉnh đáp ứng được rất ít, chỉ trên 20%, nên bị lệ thuộc rất lớn vào nguồn nước trời. Hiện hàng trăm hécta lúa tại huyện Tân Phú đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới do các đập chứa nước khô cạn sớm, trong đó có đập dâng Năm Sao (xã Phú Bình) đã cạn khô. Nắng nóng cũng khiến nhiều diện tích mía ở huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch giảm năng suất gần 25 tấn/ha, trữ đường thấp. Nắng nóng ở Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ cũng làm người dân phải vất vả và lại tăng chi phí cho các loại cây trồng lâu năm như cà phê, điều, hồ tiêu. Nhiều nhà vườn tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) phải khoan giếng sâu thêm gấp 2 lần mới có nước tưới cho cây trồng lâu năm.
Để chủ động phòng chống khô hạn vào mùa khô đối với những hồ chứa thiếu hụt nguồn nước, UBND tỉnh Bình Phước đã lên phương án đầu tư bổ sung hệ thống kênh nội đồng toàn tỉnh với chiều dài 207km, trong đó tập trung đầu tư hệ thống kênh tưới Cụm Công trình thủy lợi huyện Lộc Ninh để đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ cho 400ha diện tích đất canh tác các khu tưới của hồ suối Nuy, Bù Kal... và duy trì đảm bảo tưới cho 362ha thuộc hệ thống thủy lợi Lộc Quang. UBND tỉnh cũng đã triển khai mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như hồ tiêu, cà phê xen điều, cây ăn trái và ca cao với 4.734,6ha.

Tin cùng chuyên mục